Đô thị Hải Phòng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của một trung tâm kinh tế lớn ảnh: Hồng Phong |
Đặc biệt, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ tạo ra thế và lực mới cho Hải Phòng và cả vùng.
Những dấu ấn mới tích cực
Năm 2022, TP. Hải Phòng tiếp tục tạo nên nhiều dấu ấn mới. Nổi bật là GRDP tăng trưởng 12,32%, gấp 1,5 lần mức bình quân chung cả nước, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 Vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô kinh tế của Hải Phòng hiện đứng thứ 6 cả nước (sau TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu).
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục tăng trưởng khả quan so với năm trước đó, như Chỉ số Sản công nghiệp (IIP) tăng 14,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD, tăng 10,56%; khách du lịch đạt 7 triệu lượt, tăng 88,17%; sản lượng hàng qua cảng đạt 168 triệu tấn, tăng 11,85%; tổng vốn đầu tư thực hiện 180.000 tỷ đồng, tăng 11,33%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD.
Điều rất ấn tượng là, năm 2022, lần đầu tiên, Hải Phòng có tổng số thu ngân sách vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng (đạt 106.600 tỷ đồng), đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, số thu thuế xuất nhập khẩu vượt thu tới hơn 12.000 tỷ đồng, là cơ sở để năm 2023, Hải Phòng tiếp tục được thưởng vượt thu hàng ngàn tỷ đồng. Thu ngân sách nội địa cũng lần đầu tiên vươn tới con số 38.368 tỷ đồng. Từ đây, Hải Phòng có thêm nguồn lực, thêm dư địa để chi cho đầu tư phát triển, có nguồn lực để khởi công, thực hiện những dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng, như Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm...
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 do TP. Hải Phòng quản lý là 22.335,828 tỷ đồng. Trong đó, các nguồn vốn của Trung ương là 1.358,970 tỷ đồng; các nguồn vốn của Thành phố là 20.976,858 tỷ đồng (cao hơn gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2022). Như vậy, Hải Phòng có đủ cơ sở, nguồn lực để phát triển. Quan trọng hơn, Hải Phòng đã thực sự bứt phá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, chiếm 3,84% GDP của cả nước trong năm 2022.
- Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng
Môi trường đầu tư - kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của Hải Phòng. Thành phố lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân về Chỉ số Cải cách hành chính năm 2021. Chương trình chuyển đổi số đang được thực hiện khẩn trương và hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực trong năm vừa qua.
Trong thời gian qua, Hải Phòng là địa phương khởi xướng nhiều nội dung hợp tác, ký kết phát triển kinh tế - xã hội vùng quan trọng như hợp tác Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Thủ đô Hà Nội; hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. Đề xuất, triển khai phối hợp, thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kết nối, nhất là các dự án giao thông liên vùng, như cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão của Hải Phòng với huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương); cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên của Hải Phòng với thị xã Kinh Môn của Hải Dương); cầu Sông Hóa (nối huyện Vĩnh Bảo của Hải Phòng với huyện Thái Thụy của Thái Bình).
TP. Hải Phòng cũng đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khởi công xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên (tháng 5/2022); cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 nối huyện Thủy Nguyên với TX. Đông Triều (tháng 2/2023).
Hướng tới mục tiêu củaNghị quyết số 30-NQ/TW
Theo Nghị quyết số 30-NQ/TW, Hải Phòng được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng. Nghị quyết đã thể hiện 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng, xác định đầy đủ, cơ bản mục tiêu, tầm nhìn và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường cụ thể; xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát thực, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Trên cơ sở lợi thế vượt trội hiện có, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển TP. Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho rằng, Trung ương cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế, là động lực phát triển của vùng.
Theo đó, cần sớm đầu tư tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra Cảng Đình Vũ) để việc vận tải hành khách, hàng hóa được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển và giảm tải cho hệ thống đường bộ vốn đã rất quá tải.
Trước mắt, theo ông Tùng, trong năm 2023, để duy trì tăng trưởng, Thành phố sẽ tập trung vào hai giải pháp.
Giải pháp đầu tiên là tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp, bởi công nghiệp đóng vai trò động lực, chủ lực trong tăng trưởng kinh tế của Thành phố (năm 2022 chiếm gần 49% GRDP Thành phố).
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, trong năm 2023, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp Tiên Thanh, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Nam Đình Vũ khu 1, Nam Đình Vũ khu 2, VSIP, Cầu Kiền... Hoàn thành các thủ tục thành lập 4 khu công nghiệp mới, gồm Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3, Giang Biên 2, cũng như triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp Vinh Quang, An Hòa và Tân Trào.
Ngoài ra, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư dự án hạ tầng giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp, như tuyến đường vành đai 2 và 3; các tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển; tuyến đường nối Tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoạn Xá, huyện Kiến Thụy; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT... nhằm mở rộng không gian kinh tế của Thành phố.
Giải pháp thứ hai là tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực thương mại - dịch vụ, nhất là trong lĩnh vực cảng biển, logistics, du lịch. Năm 2022, thương mại và dịch vụ đóng góp khoảng 37% GRDP Thành phố.
“Hải Phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư lớn, như xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6, thu hút đầu tư xây dựng các bến tiếp theo thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Bên cạnh đó, tập trung giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng Nhà ga hàng hóa, Nhà ga hành khách số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cũng như các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế tại Cát Bà và Đồ Sơn... Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm logistics quốc tế như Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đã đề ra”, ông Tùng nhấn mạnh.