Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH tại Primorsky Krai (Liên bang Nga) |
Bước chân kiêu hãnh trên đất Primorsky
Tập đoàn TH vừa chính thức khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH tại làng Nikolo-Mikhailovka, quận Yakovlevsky, lãnh thổ Primorsky Krai, Liên bang Nga. Với việc khởi công dự án này, có thể nói, Tập đoàn TH đã tiếp tục có những bước đi mới, đầy kiêu hãnh, trong hành trình đầu tư sang Liên bang Nga, sau khi đã có những thành công tại tỉnh Kaluga và tỉnh Moscow - nơi các trang trại và nhà máy TH được coi là các dự án trọng điểm phát triển kinh tế của vùng.
Theo kế hoạch, với vốn đầu tư 19 tỷ rub (tương đương 5.200 tỷ đồng), TH sẽ xây dựng tại vùng đất Primorsky một trang trại với tổng đàn 12.000 con, trong đó có 6.000 con vắt sữa và một nhà máy chế biến sữa công suất 250 tấn/ngày. Một vùng nguyên liệu tập trung với quy mô 13.000 ha cũng sẽ được TH xây dựng, để trồng cỏ alfafa, rồi đậu tương… để xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thực tế, trước khi khởi công trang trại bò sữa, từ năm 2021, TH đã khai hoang và trồng đậu tương trên vùng đất này. Năm 2024, kế hoạch của Tập đoàn là triển khai trồng đậu tương trên diện tích 2.150 ha và khai hoang khoảng 5.200 ha đất. Năm 2025, sẽ khai hoang hơn 4.000 ha đất, đưa toàn bộ 13.000 ha đất được nhận vào trồng trọt.
Hôm khởi công Dự án, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, để thực hiện kế hoạch phát triển đàn, TH cam kết khai hoang toàn bộ 13.000 ha đất được nhận từ chính quyền Primorsky, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho cả đàn bò.
“Đến cuối năm 2027, khi nhà máy sữa được đưa vào hoạt động, nguyên liệu đầu vào sẽ được cung cấp 100% từ cụm trang trại và chính thức hình thành chuỗi sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ cao ‘từ đồng cỏ tới bàn ăn’, đóng góp cho sự tăng trưởng của tổng sản phẩm vùng Primorsky”, ông Ngô Minh Hải chia sẻ.
Nói thì đơn giản, nhưng giống như ở Kaluga hay Moscow cũng thế, công tác khai hoang những vùng đất rộng lớn đã bao năm “ngủ quên” ở nước Nga là vô cùng “khó nhằn”. Hồi ấy, ở Kaluga, máy móc đi trước, người người theo sau, vừa dẹp bằng máy, vừa dọn bằng tay, phải một thời gian dài mới khai hoang xong hàng ngàn héc-ta đất.
Bây giờ, ở Primorsky, có khi còn vất vả hơn thế. Đất được bàn giao cho TH rải rác từ gần thành phố
Arsenyev đến làng Krylovka, bám theo hai con sông Ussuri và Arsenyevka. Do đặc thù địa lý, một số khu đất trong vùng dự án có địa hình trũng. Đất đai bị bỏ hoang lâu năm, lại trong tình trạng ngập úng, do không có hệ thống kênh mương thoát nước, cần phải làm cả đập ngăn không cho nước tràn vào, nhất là vào mùa tuyết tan, hay mưa lũ. Chưa kể, hạ tầng điện, đường, gas… cũng thiếu.
Nhưng rồi, chẳng thử thách nào có thể cản bước chân của những con người TH. Với sự kiên định của Ban lãnh đạo Tập đoàn, tư duy dẫn đường vượt trội của Nhà sáng lập - Anh hùng Lao động Thái Hương, cũng như sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những rào cản đang dần được tháo gỡ, mọi khó khăn đang dần lui về phía sau để nhường chỗ cho cơ hội.
Gần 4.000 ha đất đã được khai hoang. Những cánh đồng ở Primorsky đã bắt đầu lên xanh. Đậu tương đã qua hai mùa thu hoạch. Và nói như ông Ngô Minh Hải, thì “những hạng mục đầu tiên của trang trại chăn nuôi bò sữa - ngôi nhà ấm áp của 6.000 con bò vắt sữa trong tương lai gần sẽ nhanh chóng được triển khai”.
Bình minh mới trên miền Viễn Đông
Bước chân kiêu hãnh trên đất Primorsky của Tập đoàn TH, có lẽ được khởi nguồn từ một sự kiện đặc biệt - Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, tổ chức vào ngày 6/9/2017. Khi ấy, phát biểu trước Tổng thống Nga Vladimir Putin, nữ doanh nhân Thái Hương đã nói rằng, Liên bang Nga có đất đai rộng lớn, nhưng chỉ trừ những vùng đất ở phía Nam như Sochi hay Krasnodar… có thời gian sản xuất dài hơn, còn đa số trong năm chỉ có 6 tháng có thể canh tác, còn lại 6 tháng là ngủ đông.
Nhưng khác với đa phần suy nghĩ của mọi người, coi đó là thách thức, thì bà Thái Hương lại xem đó là “món quà vô giá thiên nhiên đã ban tặng cho nước Nga vĩ đại”. Theo lý giải của nữ doanh nhân Thái Hương, trong 6 tháng ngủ đông, các vi sinh vật hoạt động tạo ra hệ sinh thái dinh dưỡng sạch vô giá cho đất và cũng là thời gian để cho đất được nghỉ ngơi. Chỉ cần đưa khoa học - công nghệ và khoa học quản trị vào thì những vùng đất này sẽ nở hoa, đem lại những giá trị không giới hạn mà thế giới đang mơ ước và hướng tới - đó là nền nông nghiệp sạch hữu cơ phục vụ cho đời sống con người.
Bà Thái Hương chính là người phụ nữ duy nhất trong 40 nhà đầu tư được diện kiến Tổng thống Vladimir Putin, và là một trong 5 nhà đầu tư nước ngoài được mời phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm đó.
Chỉ một ngày sau sự kiện quan trọng này, ngày 7/9/2017, dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Nga Yuri Trutnev cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Anh hùng Lao động Thái Hương, đại diện Công ty TH RUS Primorsky, đã ký thỏa thuận hợp tác, chính thức trở thành thành viên của Vùng Phát triển kinh tế vượt trội Mikhailovsky. Và đó chính là lúc TH đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình tới miền Viễn Đông của nước Nga, miền đất có trung tâm hành chính là thành phố Vladivostok, mà Tổng thống Vladimir Putin khẳng định là “khu vực ưu tiên tuyệt đối” của Nga trong thế kỷ XXI.
Nữ doanh nhân Thái Hương, sau khi thành công với dự án 1,2 tỷ USD tại vùng đất Nghĩa Đàn (Nghệ An), đã quyết định đầu tư một dự án lên tới 2,7 tỷ USD sang nước Nga. Hơn một lần, bà Thái Hương chia sẻ rằng, TH đầu tư sang Nga trước tiên là vì sự tri ân với Liên bang Nga - đất nước đã từng không tiếc sức người, sức của giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh
Yêu nước Nga, tri ân nước Nga chỉ là một yếu tố. Còn lý do thứ hai là vì những cơ hội to lớn mà nước Nga có thể mang lại.
Vào thời điểm Anh hùng Lao động Thái Hương quyết định đầu tư sang Nga, không ít người nghi ngờ, bởi vác tiền tỷ, mà là tỷ USD, sang Nga đầu tư là chuyện không đơn giản. Nhưng bà thì luôn tin vào quyết định của mình.
“Liên bang Nga trước đây là một cường quốc về nông nghiệp, nhưng vài chục năm trở lại đây, các nông trại, các hợp tác xã, nơi chăn nuôi bò sữa… đã gần như trở thành những cánh đồng hoang. Khi đó, Nhà nước Nga, đứng đầu là Ngài Tổng thống Vladimir Putin, đã có những chính sách vô cùng tuyệt vời để những doanh nghiệp am hiểu tường tận về nông nghiệp như Tập đoàn TH không thể không bước chân vào”, bà Thái Hương chia sẻ.
Đó là sẵn sàng trao ngay cho Tập đoàn hàng chục ngàn héc-ta đất, thỏa sức để đàn bò của TH vẫy vùng, thoải mái, để người TH trồng những cánh đồng bạt ngàn ngô, cỏ mombasa hay cao lương, hướng dương làm thức ăn ngon lành, bổ dưỡng cho đàn bò… Đó là các cam kết hoàn lại vốn trên tổng mức đầu tư nông nghiệp; là cho vay và hỗ trợ lãi suất… Ngay với dự án ở Primorsky Krai cũng thế, cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền Liên bang và địa phương, bao gồm những chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp là thành viên của Vùng Phát triển kinh tế vượt trội Mikhailovsky, hỗ trợ chi phí khai hoang; mua máy móc nông nghiệp; xây dựng trang trại; trợ giá sữa, cho vay ưu đãi…
Nữ doanh nhân Thái Hương dù bắt đầu giấc mơ Nga bằng cảm xúc, nhưng lại đi con đường sữa tươi sạch tại xứ sở Bạch dương bằng cái nhìn nhanh nhạy, bằng tầm tư duy và chiến lược của một nhà kinh doanh tài ba. Bà, hơn ai hết, đã nhìn ra cơ hội to lớn của thị trường Nga, thị trường mà từ lâu, người Nga đã bỏ quên, thị trường mà do bị cấm vận nên nguồn cung sữa thiếu hụt nghiêm trọng… Ở vùng Viễn Đông cũng thế. Hiện nay, dự án 6.000 con bò vắt sữa của TH là dự án chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn nhất, còn lại chủ yếu là các dự án chăn nuôi bò thịt, lợn, gà với quy mô nhỏ lẻ hoặc nông hộ… Cơ hội lớn như thế, và bà Thái Hương đã vô cùng nhanh nhạy và quyết đoán để nắm bắt “điểm vàng trong kinh doanh”.
Tâm và tầm của nữ doanh nhân Thái Hương đã giúp TH đã và đang đặt những viên gạch vững chắc cho những kỳ tích mới tại quê hương của Cách mạng tháng Mười. Ở Kaluga và Moscow, hàng chục ngàn ha đất bỏ hoang nhiều thập kỷ đã “lột xác”, trở thành các cánh đồng màu mỡ, năng suất cao. Hàng nghìn con bò đang được chăm nuôi bằng công nghệ hiện đại và đã cho sữa, với năng suất và chất lượng cao, được bán cho các hãng sữa lớn nhất tại Nga với mức giá cao hàng đầu thị trường. Một nhà máy chế biến sữa ở Kaluga đang thành hình và sẽ sớm được đưa vào vận hành…
Và mới đây, là một dự án quy mô lớn bắt đầu được khởi công ở Primorsky Krai. Đó là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Dự án sữa TH tại Liên bang Nga. Dự án sẽ đánh thức, khơi dậy những tiềm năng lớn lao về nông nghiệp vốn bị lãng quên trong thời gian dài tại miền Viễn Đông.
Nhớ ngày đầu bước chân tới nước Nga, đứng trước mênh mông hoang vu, Giám đốc Dự án lo lắng hỏi phải làm sao khi “cây cối ở đây đã mọc 20 năm rậm rịt”, Anh hùng Lao động Thái Hương chỉ điềm tĩnh trả lời: “Hãy nỗ lực, có lòng quyết tâm là có tất cả!”.
Bằng nỗ lực ấy, Tập đoàn TH đang tiến rất gần đến với khát vọng trở thành “thương hiệu quốc gia” của người Nga, và đã có những bước đi ngoạn mục trong hành trình đưa thương hiệu Việt ra thế giới. Dường như, một bình minh mới sắp tỏa rạng trên miền biên viễn xứ sở Bạch dương…