Thời sự
Phát triển hợp tác xã phụ thuộc cả “quan trí” và “dân trí”
Mạnh Bôn - 26/03/2016 08:47
Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 đã tiếp thêm luồng sinh khí mới cho khu vực kinh tế tập thể, khơi dậy phong trào hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả của khu vực này chỉ có thể phát huy được tối đa bằng việc đổi mới biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân thay vì chỉ tập trung nâng cao “quan trí”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư để làm rõ thêm vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, Luật HTX năm 2012 ra đời được đánh giá là bước đột phá trong tư duy về phát triển kinh tế tập thể. Từ thực tế triển khai Luật này, ông có thấy đánh giá đó là phù hợp?

Đúng là như vậy. Thực tế đã chứng minh, mặc dù kinh tế hộ, kinh tế cá thể đã gồng mình thể hiện tốt vai trò của mình, nhưng những số liệu đó chưa đủ để theo kịp yêu cầu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng đang tạo ra sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường trong nước.

Luật HTX 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường. Mô hình này sẽ thiết thực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, sản phẩm trong nước trong hội nhập. Toàn bộ tư tưởng, tư duy, quan điểm mới về kinh tế hợp tác theo đúng chuẩn mực của HTX trên thế giới đã được đưa vào Luật HTX năm 2012.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông

Luật đã thay đổi nhận thức và tư duy về kinh tế hợp tác, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bình đẳng cho HTX, khẳng định tính đúng đắn của Đảng về phát triển khu vực HTX nói riêng và thành phần kinh tế tập thể nói chung.

Sau gần 3 năm triển khai Luật HTX năm 2012, phong trào nông dân hợp tác với nhau trong sản xuất đã nhen nhóm ở nhiều địa phương.

“Nhen nhóm” có nghĩa là phong trào vẫn thực sự chưa phát triển mạnh và rộng khắp, thưa Thứ trưởng?

Nhen nhóm là vì đã có một số mô hình nhỏ lẻ xuất hiện ở một số địa phương, rất thành công và khẳng định đó là hướng đi đúng đắn và gần như duy nhất để phát triển sản xuất hàng hóa ổn định về chất lượng, đứng vững trên thị trường.

Vì sao vậy?

Đó là do vấn đề nhận thức. Ở những nơi có sự thống nhất nhận thức về Luật HTX thì nơi đó phong trào hợp tác trong sản xuất nông nghiệp phát triển. Ngược lại, ở những nơi có nhận thức không thống nhất, thậm chí ít quan tâm, phó mặc cho người dân, thì phong trào không thể phát triển hoặc phát triển tự phát, hoạt động không theo đúng nguyên tắc của kinh tế tập thể. Hoặc nếu, cơ quan quản lý hiểu đúng, nhận thức đúng chưa đủ, phải cả chính các chủ thể của HTX, là những nhà nông, hộ cá thể cũng phải hiểu và hưởng ứng tích cực thì phong trào HTX mới thực sự phát triển.

Hệ quả của sự thiếu đồng đều này là gì, thưa Thứ trưởng?

Có thể thấy, hệ quả rõ nhất từ báo cáo tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Qua 6 năm triển khai Chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, hai tiêu chí nông thôn mới khó đạt được nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân nông thôn và tiêu chí có HTX hoạt động hiệu quả.

Muốn nâng cao thu nhập của người dân ở nông thôn, của người sản xuất nông nghiệp, thì phải đạt tiêu chí có HTX hoạt động hiệu quả. Bởi nếu không tổ chức sản xuất để nông sản đạt chất lượng tiêu chuẩn tối thiểu là Viet GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) và vươn lên đạt tiêu chuẩn Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu), thì nông sản không được giá, sản xuất nông nghiệp không bền vững, thiếu ổn định. Nếu nông dân không có phong trào hợp tác và liên kết tốt sẽ dẫn đến tình trạng hộ này đang trồng lúa thấy hàng xóm trồng khoai có hiệu quả hơn lại chuyển sang trồng khoai, rồi sang năm khoai mất giá lại bỏ khoai trồng dưa… thì thu nhập khó có thể được cải thiện.

Muốn cải thiện thu nhập cho nông dân, cần có bà đỡ là HTX.

Phải chăng đây cũng là nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là khi các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết?

Chưa nói tới việc xuất khẩu nông sản, nếu nông dân nước ta vẫn phải loay hoay với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì”, sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm thì ngay cả việc tiêu thụ được tại thị trường trong nước với hơn 93 triệu dân – thị trường mơ ước của tất cả nhà sản xuất trên thế giới – cũng không có gì đảm bảo.

Bởi, nông sản của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến được sản xuất theo quy mô lớn, chất lượng cao, giá bán cạnh tranh, có thương hiệu, nên người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người dân ở đô thị có thu nhập trên mức trung bình sẽ chọn việc mua nông sản nhập khẩu thay vì mua của nông dân trong nước.

Vì vậy, để thúc đẩy được tiêu thụ nông sản Việt Nam tại cả thị trường trong nước và quốc tế, sản xuất nông nghiệp phải được tổ chức bài bản, có quy mô lớn, từ đó hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản xuất theo mô hình HTX là phương thức hiệu quả nhất để đạt được yêu cầu thiết yếu này.

Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng khác biệt về nhận thức giữa các địa phương?

Nguyên nhân chính là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa đủ mạnh để xóa tan mọi hoài nghi về hiệu quả của kinh tế tập thể, cũng như xóa đi tâm lý nặng nề, không mấy thiện cảm về HTX kiểu cũ vẫn còn đè nặng lên tâm lý xã hội.

Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này, thưa Thứ trưởng?

Ngay khi Luật HTX năm 2012 được thông qua, Vụ HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về mô hình tổ chức, hoạt động của HTX kiểu mới. Tuy nhiên, công tác này mới dừng lại ở mức độ mở các lớp tập huấn cho lãnh đạo địa phương và lãnh đạo liên minh HTX địa phương, nghĩa là mới chỉ nâng cao được “quan trí”.

Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu đặt ra và thực tế phát triển kinh tế tập thể trong thời gian qua. Đánh giá lại công tác tuyên truyền, tôi cho rằng, đã đến lúc phải tập trung nâng cao cả “dân trí” về kinh tế tập thể.

Nguyên lý của Luật HTX năm 2012 là người dân tự nguyện tham gia khi thấy có lợi ích. Dứt khoát không thành lập HTX theo mệnh lệnh hành chính hay theo kiểu phong trào. Vì vậy, để người dân tự nguyện tham gia, không còn cách nào khác ngoài phương pháp nâng cao nhận thức cho từng người bằng việc chỉ cho họ thấy thực tiễn những HTX đã và đang hoạt động có hiệu quả chứ không phải chỉ nói lý thuyết.

Không thể đi tuyên truyền về mô hình kinh tế hợp tác theo kiểu rao giảng. Thực tế cho thấy, nhiều người dân chưa hiểu về mô hình hợp tác, thậm chí hiểu sai một phần là do chúng ta thiếu thuyết trình viên giỏi.

Thuyết trình viên giỏi phải là người như thế nào, thưa Thứ trưởng? Làm sao để có các thuyết trình viên giỏi?

Thuyết trình viên giỏi phải là người biết sử dụng ngôn ngữ bình dân, phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán vùng miền, tránh sử dụng ngôn ngữ hành chính, luật pháp khô khan khi đào tạo, tập huấn cho người dân. Có kiến thức kinh tế, hiểu biết pháp luật chỉ là một tố chất cần có của thuyết trình viên, điều quan trọng hơn là năng lực truyền đạt để người nghe hiểu, chia sẻ và thực hiện.

Thực tế cho thấy, có không ít người rất giỏi về lý thuyết kinh tế, am tường luật pháp và các văn bản hướng dẫn, nhưng khi tuyên truyền lại không “lọt tai” người nghe vì không xuất phát từ thực tế cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng nên không có những ngôn từ đời thường, ngôn từ của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ.

Cá nhân tôi rất ấn tượng về cách thuyết trình của ông chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền tại Bảo Thắng, Lào Cai. Bằng ngôn ngữ rất đời thường, dung dị và hài hước, cùng với trải nghiệm hơn 60 năm tuổi đời và các ví dụ thực tiễn sinh động, ông đã thuyết phục được toàn bộ đại biểu tham dự hội nghị. Tôi thấy các thuyết trình viên giỏi của chúng ta cũng cần có phong cách truyền đạt như vậy để đi được vào lòng người dân, đạt được hiệu quả tuyên truyền cao nhất.

Bên cạnh đó, chính các nhà báo, những người làm trong lĩnh vực truyền thông đại chúng cũng có thể đóng vai trò của những thuyết trình viên giỏi, góp phần quan trọng đưa Luật HTX năm 2012 thực sự đi vào cuộc sống, nếu có thể hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ hành chính, văn bản khô khan, bởi người dân luôn hào hứng đọc, nghe, xem các câu chuyện thực tế được truyền tải bằng ngôn ngữ bình dân, đời thường, dung dị, không đao to búa lớn.

Tôi đang đề xuất kinh phí sản xuất 2 bộ phim truyền hình nhiều tập, hấp dẫn về đề tài nông thôn xây dựng HTX, một dành cho bà con miền Bắc, một dành cho bà con miền Nam vì thị hiếu thưởng thức, ngôn ngữ và tập quán 2 miền có những đặc thù khác nhau, phải phù hợp mới thu hút được bà con xem truyền hình.

Tin liên quan
Tin khác