Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2023, tổ chức chiều 9/10.
“Thời gian tới sẽ phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tập đoàn lớn trong nước như: Viettel, VNPT, FPT... và doanh nghiệp ngoài nước đầu tư vào các phòng thí nghiệm tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện hoặc trường đại học có lĩnh vực này”, ông Hùng cho biết.
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ |
Ông Hùng cho biết thêm, Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. Các ngành kinh tế kỹ thuật đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư từ Bắc Mỹ tới Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực.
Sẽ có ba khâu thiết kế, chế tạo và đóng gói cho chíp bán dẫn, Việt Nam cần tập trung vào thiết kế nên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực trình độ cao. Tuy nhiên ông Hùng nhận định thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực.
“Chúng ta hiện mới có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này, với chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, trong khi mỗi loại chip được sản xuất đều có yêu cầu kỹ thuật rất cao. Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng cần phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để đạt được yêu cầu”, ông Hùng cho biết.
Để nắm bắt cơ hội phát triển chip bán dẫn, ngoài việc tập trung đầu tư nhân lực, từ nay đến cuối năm, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng tập trung giải ngân nguồn vốn 223 tỷ đồng cho các dự án.
Để thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh trong chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về Khoa học và Công nghệ. Từ đó, sẽ tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Phú Hùng, từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia, tuy nhiên chúng ta chưa triển khai được một cách triệt để.
Tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Các doanh nghiệp có thế mạnh như Viettel, FPT, CMC… và các viện, trường có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Qua đó, tạo ra hệ sinh thái giữa các viện, trường, doanh nghiệp sản xuất, từ khâu thiết kế, đến chế tạo sản phẩm.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Lĩnh vực chip bán dẫn Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của những “ông lớn” hàng đầu thế giới như intel, Samsung, Qualcomm,…Gần đây thị trường chứng kiến sự hiện diện của nhiều tập đoàn, công ty khác tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhà sản xuất bộ nhớ và bao bì chip của Hàn Quốc Hana Micron đang có kế hoạch rót 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam vào năm 2025. Hana Micron cũng là một đối tác lớn của Samsung.
Trong tháng 9, tập đoàn Cadence Design Systems và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng trao biên bản ghi nhớ về thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam.