Đầu tư
Phát triển sạch: Chìa khóa tăng sức cạnh tranh
Hồng Sơn - 15/05/2015 08:40
Thách thức đối với phát triển năng lượng sạch của Việt Nam và cơ hội mở ra đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực này là hai chủ đề xuyên suốt của Hội thảo Việt Nam - Hoa Kỳ về năng lượng sạch “Những giải pháp thông minh cho Việt Nam” do Cơ quan Báo Đầu tư và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức hôm qua (14/5).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực góp phần vào sự phát triển ổn định chung của toàn cầu và đi tiên phong trong định hướng phát triển mang tính bền vững. Việt Nam xác định không tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá, mà cần phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Nhiều khuyến nghị đã được các chuyên gia đưa ra, nhất là về khung thể chế, chính sách vốn, hỗ trợ tài chính, giá bán

 

“Để phát triển bền vững nguồn năng lượng quốc gia, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư mạnh vào nghiên cứu và triển khai, lồng ghép và tích hợp việc cung ứng điện thông qua các nguồn năng lượng”, Thứ trưởng nói và cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo và nếu tranh thủ được các tiến bộ khoa học - công nghệ của thế giới hiện nay, việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng này sẽ hiệu quả hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, việc tìm kiếm những giải pháp thông minh để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch đang ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời cũng là một nội dung trọng tâm trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh mà Việt Nam đang thực hiện.

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Chính phủ phê duyệt năm 2012, đặt mục tiêu giảm bớt lượng khí thải nhà kính 8-10% so với năm 2010, đồng thời giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1-1,5%/năm trong giai đoạn 2011-2020.

Cũng theo TS. Mai, về khung thể chế hiện nay, hầu hết các luật và quy định quan trọng nhất đã được ban hành. Các quy định này đều thống nhất và phù hợp với Chiến lược và Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, trở ngại lớn nhất hiện nay khi đầu tư, phát triển các dự án năng lượng sạch nằm ở chính sách, thu xếp nguồn vốn và giá bán.

Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương), về chính sách, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật ở mức cao (luật, nghị định) để khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; chưa có chiến lược/quy hoạch/mục tiêu cụ thể phát triển năng lượng tái tạo ở cấp quốc gia. Trong khi đó, suất đầu tư lớn so với nguồn truyền thống, hỗ trợ của Nhà nước về vốn thấp so với các nước trên thế giới, lợi nhuận thấp hoặc không có. Về giá bán, còn nhiều bất cập, như giá điện gió thấp tính dựa trên giá điện than đã lạc hậu do giá than tăng mạnh; giá điện sinh khối chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư; giá điện từ pin mặt trời chưa được xây dựng…

Ngoài ra, còn một số vướng mắc, rào cản được nhìn nhận, như thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề được đào tạo bài bản, công nghiệp phụ trợ cho các dạng năng lượng tái tạo chưa được chú trọng phát triển, mâu thuẫn lợi ích giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo với các quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác, rào cản về kỹ thuật trong việc đấu nối các nguồn năng lượng tái tạo bất ổn định với hệ thống điện khu vực như điện gió, điện mặt trời…

Là một trong những doanh nghiệp trong nước tiên phong trong đầu tư, phát triển năng lượng sạch, Mới đây, Công ty Công Lý đã được Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ thoả thuận viện trợ không hoàn lại gần 1 triệu USD để tài trợ nghiên cứu khả thi phát triển Dự án Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III.

“Khoản viện trợ trên sẽ là động lực giúp chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn lên kế hoạch và lập dự án cho giai đoạn III”, đại diện Công ty Công Lý nói và cho rằng, Dự án là nơi đánh giá về tài nguyên năng lượng gió khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đưa các doanh nghiệp Hoa Kỳ và trên thế giới tham gia phát triển năng lượng sạch, năng lượng gió tại tỉnh Bạc Liêu, cũng như cả vùng.

Ở góc độ doanh nghiệp nước ngoài, Công ty General Electric (GE) đã tạo dựng được danh tiếng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là về năng lượng gió, đồng thời cũng đã hỗ trợ rất nhiều về mặt kỹ thuật cho các dự án năng lượng tái tạo và sản xuất điện tại Việt Nam. Công ty đã cung cấp hơn 62 turbine gió cho hai giai đoạn đầu của dự án điện gió Bạc Liêu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, và gần đây nhất là được chọn trở thành nhà cung cấp 14 turbine trong giai đoạn đầu tiên của dự án trang trại gió Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk.

Chia sẻ về sự hợp tác, phát triển thành công các dự án năng lượng sạch, đại diện Công ty Công Lý cho rằng, minh chứng là những kết quả của giai đoạn I và II của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu  đã sử dụng thiết bị turbine của GE  để lắp đặt cho Dự án. Đến nay, 10 thiết bị turbine gió giai đoạn I vận hành ổn định, tổng công suất phát điện từ khi vận hành đến nay là trên 61 triệu kWh.

Trong khi đó, ông Patrick Wall, Tùy viên Thương mại, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, trong những năm vừa qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng được sự hợp tác sâu rộng và không ngừng phát triển với mục tiêu mang nguồn năng lượng sạch và tái tạo đến với thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về năng lượng bền vững của Việt Nam. “Hội thảo này là một minh chứng mới nhất cho sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch”, ông Patrick Wall nói.

Để phát triển dự án năng lượng sạch theo hướng bền vững, thực sự là chìa khóa cạnh tranh và thành công cho các nhà đầu tư, nhiều khuyến nghị đã được đưa ra, nhất là những vấn đề về khung thể chế, chính sách về vốn, hỗ trợ tài chính, giá bán.

Theo TS. Mai khuyến nghị, trong ngắn hạn, cần có nhiều thông tư, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực năng lượng, tiêu chuẩn, dán nhãn hiệu suất năng lượng, áp phí dán nhãn hiệu suất năng lượng… Về trung hạn, là những khuyến nghị về khung thể chế như, quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo; quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng gió, chuyển chất thải rắn thành năng lượng, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối; luật mới về năng lượng tái tạo.

Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn

- Bà Nguyễn My Lan, Tổng giám đốc GE Việt Nam và Campuchia

Là một doanh nghiệp của Hoa Kỳ sớm có mặt tại Việt Nam và hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, GE đã cung cấp các turbine gió cho Dự án Điện gió Bạc Liêu. Đến nay, 10 thiết bị turbine gió giai đoạn I của Dự án đã vận hành ổn định, tổng công suất phát điện từ khi vận hành đến nay là trên 61 triệu kWh.

Từ thành quả của sự hợp tác này, thời gian qua, GE đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, thiết bị y tế và dầu khí, góp phần phát triển chung của kinh tế - xã hội Việt Nam.

Thời gian tới, GE cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp của Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm quốc tế, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực của mình, để mang đến lợi ích cho cả hai bên.

Cần thêm nhiều hỗ trợ cho nhà đầu tư

- Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý

Công ty Công Lý đã đầu tư Dự án Điện gió Bạc Liêu với công suất 99,2 MW, bao gồm 62 trụ turbine gió, giai đoạn I công suất 16 MW đã lắp dựng thành công và hòa vào điện lưới quốc gia.

Từ những vướng mắc về kỹ thuật, tài chính và nhân lực, Công Lý đã được Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu kết hợp cùng Chính phủ Hoa Kỳ, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ và Phòng Thương vụ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệt tình hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức các chuyến tham quan, nghiên cứu, làm việc, trao đổi , cũng như học hỏi kinh nghiệm các nhà đầu tư điện gió tại Mỹ.

Giai đoạn II của Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2015. Để thực hiện thành công Dự án, Công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, về tài chính của Chính phủ, các ban, ngành Trung ương, UBND tỉnh Bạc Liêu...

Sẽ có nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào dự án điện gió

- Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo (Công ty Tư vấn xây dựng điện 3)

Hiện đã có tổng cộng 77 dự án điện gió quy mô công nghiệp đã được đăng ký tại 18 tỉnh với tổng công suất đăng ký 7.234 MW (công suất đăng ký giai đoạn I là 1.488 MW), các dự án tập trung nhiều nhất trên địa bàn 2 tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong đó, Bình Thuận có 18 nhà đầu tư, đăng ký 22 dự án điện gió, tổng công suất đăng ký gần 1.700 MW; Ninh Thuận có 13 nhà đầu tư, đăng ký 16 dự án điện gió, với tổng công suất đăng ký hơn 1.100 MW.

Ngoài hàng chục dự án đã khởi công xây dựng, hiện còn nhiều dự án khác, được triển khai ở các giai đoạn khác nhau, vẫn còn nhiều yếu tố bất định, nhưng vẫn có khả năng hiện thực trước năm 2020. Trong đó, có thể kể một số dự án như Phước Thể (Bình Thuận), Enfinity (Ninh Thuận), Lợi Hải (Ninh Thuận)...

Tin liên quan
Tin khác