Theo đó, mục tiêu đến 2025 lựa chọn được tối thiểu 300 hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã xã tham gia, hoạt động theo 12 mô hình của Đề án; 100% hợp tác xã thí điểm hoạt động hiệu quả cao, được đánh giá xếp loại tốt, đạt từ 80 điểm trở lên theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/1/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, đánh giá hợp tác xã; xây dựng Phương án nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên phạm vi cả nước trong 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2026-2030).
Đối tượng tham gia Đề án là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả trên phạm vi cả nước, có nhu cầu tham gia Đề án, được các địa phương lựa chọn, đáp ứng các điều kiện tham gia.
Về số lượng tham gia, khoảng 300 hợp tác xã trên phạm vi cả nước, trong đó mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tối đa 5 hợp tác xã tham gia.
Thời gian thực hiện Đề án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Lựa chọn mô hình hợp tác xã thí điểm (trong năm 2021). Giai đoạn 2: Hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng một số mô hình hợp tác xã kiểu mới đã hoàn thiện (đến ngày 30/6/2025). Giai đoạn 3: Tổng kết, đề xuất phương án nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả (6 tháng cuối năm 2025).
Quyết định nêu rõ điều kiện tham gia Đề án gồm: Điều kiện bắt buộc: hợp tác xã hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; hợp tác xã đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển theo các mô hình được Đề án lựa chọn; hợp tác xã kinh doanh hiệu quả, có lãi liên tục trong 3 năm tài chính; hợp tác xã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký tham gia Đề án, trong đó có Bản đánh giá hợp tác xã năm 2020 đạt loại khá (65 điểm) trở lên; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ban hành thêm các điều kiện khác, tùy theo nguồn lực và tình hình thực tế các hợp tác xã thí điểm trên địa bàn.
Điều kiện ưu tiên: Các hợp tác xã có nhiều thành viên tham gia, được sự đồng tình, nhất trí của thành viên và Chính quyền cơ sở nơi hợp tác xã đặt trụ sở; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các hợp tác xã sản xuất quy mô lớn, sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh; các hợp tác xã có đông thành viên là nữ hoặc phụ nữ tham gia quản lý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tạo việc làm, hỗ trợ cho người yếu thế; do thanh niên khởi nghiệp; các hợp tác xã đã tham gia thí điểm hợp tác xã kiểu mới đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Các mô hình hợp tác xã lựa chọn hoàn thiện như mô hình hợp tác xã vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản); mô hình hợp tác xã tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; mô hình hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; mô hình hợp tác xã hoạt động xây dựng; mô hình hợp tác xã giao thông vận tải; mô hình hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp gắn với phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống;...
Về chính sách hỗ trợ, Quyết định nêu rõ, hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ-CP; theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% cho hợp tác xã thí điểm.