Điểm nóng
Phế liệu nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến
Thế Hải - 13/07/2018 19:35
Nhập khẩu phế liệu về Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2017, đặt ra bài toán về cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu tổng thể từ nhiều Bộ, ngành.
Phế liệu nhập khẩu vào sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nếu không sớm có giải pháp ngăn chặn

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến những tháng đầu năm 2018 và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang bàn thảo giải pháp xử lý số liệu phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng.

Đây là thông tin tại cuộc họp liên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Giao thông Vận tải… nhằm tìm giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển và ngăn chặn tình trạng phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Nguyên nhân khiến lượng phế liệu tồn đọng lớn tại khu vực Cảng biển Việt Nam là do từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu nhiều loại phế liệu, trong đó có phế liệu nhựa và giấy, do vậy, lượng phế liệu này đi về một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết những năm qua nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất thép, giấy, nhựa và xi măng có xu hướng gia tăng mạnh.

Theo Báo cáo công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tổng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng 2 lần so với khối lượng nhập khẩu 2016.

Trong đó khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ tăng 2-3 lần. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, khối  lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến 2 lần so với cả năm 2017.

Nguồn xuất đến từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Canada. Tính đến 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại Tân cảng Sài Gòn là 4.480 container, trong đó riêng cảng Cát Lái là 3.464 container. Tại Hải Phòng, đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container.

Tổng cục Môi trường khẳng định, một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng. Nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5 - 6 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi ngày càng lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng, hãng tàu, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng biển.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Đó cũng là nguyên nhân khiến phế liệu tồn đọng lớn tại các cảng.

Theo đại diện Bộ Công Thương, chưa thể cấm 100% nhập phế liệu nhưng phải có chiến lược sử dụng, trong đó có việc nhập khẩu.

Ông Trần Lưu Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần ràng buộc trách nhiệm chủ tàu khi nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Nếu chủ tàu nào có gian lận, cần cương quyết xử lý.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà cho rằng, cần đánh giá nhu cầu thực tế hiện nay có cần phải nhập nhiều như vậy không hay là chủ yếu hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập lậu, hàng chất chải, nếu không thì không cho nhập. Thêm vào đó, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị Bộ Tài nguyên Môi trường, Hải quan, Công an, Công thương… còn yếu nên cần phải thay đổi ngay để phối hợp chặt chẽ để minh bạch thông tin.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ về thực trạng, tình hình sử dụng phế liệu của những nước trong khu vực và tình hình nhập khẩu phế liệu của Việt Nam. Theo đó, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ xem xét đối với những chủng loại hàng hóa mà hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần loại bỏ. Những doanh nghiệp, các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam không chứng minh được việc có giấy phép nhập thì cương quyết không cho nhập.

Lộ trình giảm nhập khẩu phế liệu về Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Theo Bộ trưởng, nhiều nước đã nói không với nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng cần phải làm như vậy với một lộ trình hợp lý.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu sắt thép phế liệu đã tăng gần 83% so với cùng kỳ, trị giá 890 triệu USD.

Từ nay đến hết năm, nếu không có những giải pháp chặn nhập khẩu, chi nhập khẩu sắt thép phế liệu sẽ lên tới 1,5 – 1,7 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác