Doanh nghiệp
Doanh nghiệp cảng kêu trời vì ùn ứ hàng ngàn container phế liệu
Thế Hoàng - 30/06/2018 07:55
Hơn 8.000 container phế liệu đang tồn đọng tại Tân Cảng Sài Gòn, chiếm 10% diện tích kho bãi của cảng. Số lượng container phế liệu bỏ mặc tại cảng Hải Phòng cũng đang tăng nhanh, khiến các doanh nghiệp cảng kêu trời vì ùn ứ kho bãi, thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày.

Thiệt tiền tỷ mỗi ngày

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD.

Nhập khẩu sắt thép phế liệu vẫn chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước, bởi chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép. Đó là nguyên nhân khiến phế liệu sắt thép liên tục đổ về Việt Nam. 

Hàng ngàn container phế liệu đang bị bỏ la liệt tại các cảng biển

Thời gian gần đây, các bộ, ngành đã siết chặt việc cấp giấy phép nhập khẩu các mặt hàng nhựa, giấy phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam, nhưng chưa thể làm thủ tục, gây ùn ứ cục bộ tại cảng biển.

Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, số container tồn đọng tại cảng Cát Lái đã lên tới con số 8.000, chiếm hơn 10% diện tích kho bãi của cảng, chủ yếu ở diện cấm nhập hoặc sai mã số hải quan.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng trực ban sản xuất cảng Cát Lái (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), từ đầu năm 2018, khi một số nước trong khu vực siết nhập phế liệu, số container hàng hóa đổ về Việt Nam chủ yếu theo dạng tạm nhập tái xuất, không có người nhận, chủ hàng vứt bỏ tại cảng. Tiền lưu kho, bến bãi không có ai thanh toán, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cảng biển. Theo ước tính của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, sự ùn ứ của hơn 8.000 container đang gây ra thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng mỗi ngày. 

Không chỉ riêng Cát Lái, các lô hàng phế liệu nhập về và tồn ở nhiều cảng biển trên cả nước có xu hướng ngày càng tăng. Tại Chi cục Hải quan khu vực 1, khu vực 3 và khu vực 4, thuộc Cục Hải quan TP.HCM có 985 container phế liệu được lưu giữ trong thời gian từ 30 đến 90 ngày. Ngoài ra, còn 2.255 container tồn đọng quá 90 ngày. 

Theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2018, khu vực cảng biển Việt Nam tồn đọng gần 28.000 container hàng. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng tồn hơn 6.700 container, TP.HCM tồn hơn 14.600 container và Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 6.500 container. Nhóm hàng đang có nguy cơ tồn đọng lâu dài là hàng điện tử cũ, phân bón, nông sản, nhôm, nhựa, giấy phế liệu, ô tô… 

Cục Hải quan TP. Hải Phòng cũng thông tin, thời gian qua, các lô hàng nhựa phế liệu vận chuyển vào cảng Hải Phòng tăng nhanh. Theo quy định, mặt hàng này khi nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện về môi trường, nhưng một số doanh nghiệp không tuân thủ, dẫn tới không làm được thủ tục, chủ hàng bỏ mặc hàng ở cảng, khiến khu vực cảng Hải Phòng còn tồn một số lượng lớn container phế liệu.

“Điều này gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng, của hãng tàu, đại lý giao nhận”, đại diện Cục Hải quan TP. Hải Phòng nói.

Cảnh báo với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu 

Dù đã có các quy định để kiểm soát từng lô hàng nhập, nhưng trên thực tế, các chủ hàng vẫn tìm mọi cách để nhập phế liệu ô nhiễm, khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành địa điểm tập kết của nhiều loại phế liệu độc hại nếu các giải pháp chặn phế liệu của các bộ, ngành không được quyết liệt triển khai. 

Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5290/VPCP-KTTH, thông tin việc Trung Quốc cấm, ngăn chặn nhập phế liệu vào nước này và cảnh báo nguy cơ phế liệu sẽ ồ ạt đổ về Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu 4 bộ là Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương và Giao thông - Vận tải khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu. 

Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động vận chuyển phế liệu. Liền sau đó là công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có mô tả thông tin trên bản lược khai hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp khai tên hàng hóa nhập khẩu ở tờ khai hải quan là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng.

Lộ trình giảm nhập khẩu phế liệu về Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhiều nước đã nói không với nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng cần phải làm như vậy.

“Hiện nay, một số nước đã nói không với nhập khẩu phế liệu, chúng ta sẽ xem trong đó cái nào là phế liệu, cái nào là chất thải để có lộ trình hợp lý. Tôi rất đồng tình là Việt Nam không đủ năng lực công nghệ để xử lý chất thải, nên chúng ta sẽ phải nói không với nhập khẩu chất thải”,  Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Việc hạn chế và cấm nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia làm chặt. Đơn cử, khi ngành công nghiệp tái chế phế thải gây tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng và môi trường, Trung Quốc đã chọn lọc các loại phế liệu để thu mua. Việc nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc liên tục giảm từ năm 2013. Từ đầu năm 2018, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu rác thải, phế liệu từ nhựa.

Trong “chiến dịch” hạn chế phế liệu vào Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, chủ cảng sẽ ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại cảng Cát Lái và Cái Mép. Đây là lời cảnh báo với doanh nghiệp, nếu vẫn cố tình nhập phế liệu sẽ chịu thiệt hại nặng.

Tin liên quan
Tin khác