Tài chính - Chứng khoán
Phiên 10/10: Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bị bán mạnh, FPT và MSN hút dòng tiền
Tùng Linh - 10/10/2024 16:45
Thanh khoản cổ phiếu FPT và MSN vượt mốc nghìn tỷ đồng. Dòng tiền trong phiên 10/10 chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu vốn hóa lớn mang tính trụ cột, trong khi đó nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ vấp phải áp lực bán mạnh.

Sau phiên tăng điểm vượt ngưỡng 1.280 điểm, VN-Index tiếp đà hưng phấn khi bước sang phiên giao dịch ngày 10/10. Thị trường tiếp tục ghi nhận nhiều nhóm ngành cổ phiếu tăng mạnh và góp phần kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Điểm tích cực ở phiên hôm nay là việc VN-Index duy trì sắc xanh trong suốt thời gian giao dịch dù “hụt hơi” vào cuối phiên.

Tuy nhiên, một điểm gây chú ý là việc dòng tiền chỉ tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa và vừa nhỏ đồng loạt bị bán mạnh. 

FPT và MSN là tâm điểm của thị trường ở phiên hôm nay. Trong đó, FPT tăng đến 4,65% lên 141.700 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh gần 10 triệu đơn vị. MSN cũng tăng 3,9% lên 80.000 đồng/cổ phiếu. 

FPT là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 2,23 điểm, MSN cũng đóng góp 1,1 điểm. Sau phiên hôm nay, vốn hóa của FPT đạt hơn 206.945 tỷ đồng, vượt qua hàng loạt tên tuổi khác để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đang niêm yết trên sàn niêm yết.

Đối với cổ phiếu MSN, theo dự báo mới đây, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan có thể đạt khoảng 650 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2024, tăng gần 13 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu như VCB, BID hay CTG cũng đều giữ được sắc xanh tốt và góp phần nâng đỡ thị trường chung.

Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đã cập nhật tiến độ tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước. Theo báo cáo, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank, đồng thời, đang hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank).

Hai cổ phiếu lớn là FPT và MSN dẫn dắt thị trường cả về điểm số và thanh khoản.


Dòng tiền đa phần chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu trụ cột, trong khi khá nhiều mã vốn hóa lớn khác giảm giá và gây áp lực lớn lên thị trường. HPG có sự điều chỉnh trở lại khi giảm 0,91% và lấy đi của VN-Index 0,39 điểm. VHM cũng giảm 0,82% và lấy đi 0,37 điểm. STB gây chú ý khi giảm mạnh 1,6% bất chấp việc có thời điểm tăng tốt ở trong phiên. STB tăng 1,9% lên 34.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, STB đóng cửa thấp hơn đến 3,6% so với mức giá cao nhất phiên.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ghi nhận rất nhiều cổ phiếu bị bán mạnh thuộc ngành chứng khoán, bất động sản, thép… Tại nhóm chứng khoán, diễn biến kéo cuối phiên trước và “xả” ở phiên sau tiếp tục diễn ra. Sau khi kéo mạnh cuối phiên 9/10 thì đến phiên hôm nay, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán bị bán mạnh. Cái tên được chú ý ở nhóm này là VCI khi giảm đến 2,67% và khiến tâm lý bi quan về nhóm này bị đẩy lên, áp lực bán từ đó cũng dâng cao. Các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS, VIX, VDS, SHS… cũng đều chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,51 điểm (0,35%) lên 1.286,36 điểm. Toàn sàn có 163 mã tăng, trong khi có đến 206 mã giảm và 69 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,21%) xuống 231,29 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 80 mã giảm và 76 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (0,13%) lên 92,57 điểm.

Khối ngoại dứt chuỗi bán ròng đã kéo dài sang phiên thứ tư.


Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 720 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 18.471 tỷ đồng, tăng 8% so với phiên hôm qua, trong đó, giá trị thỏa thuận chiếm 1.286 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 937 tỷ đồng và 1.048 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị giao dịch thỏa thuận ở UPCoM phiên hôm nay lên đến 601 tỷ đồng, trong đó, VNA thỏa thuận giá trị 345 tỷ đồng, TLP là 168 tỷ đồng.

Trên sàn, duy nhất hai cổ phiếu có mức thanh khoản vượt mức nghìn tỷ đồng là MSN và FPT. Đây cũng là 2 cổ phiếu hút mạnh dòng tiền ngoại. 

Trong phiên, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã MSN với 367 tỷ đồng. FPT và NTL được mua ròng lần lượt 311 tỷ đồng và 158 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, STB bị bán ròng mạnh nhất với 126 tỷ đồng. CTG và VPB đều bị bán ròng khoảng 50 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại mua ròng trở lại hơn 500 tỷ đồng trên HoSE. Trên cả ba sàn, các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân tổng cộng 459 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi bán ròng đã kéo dài 4 phiên liên tiếp. 

Tin liên quan
Tin khác