Bước sang phiên giao dịch chiểu, việc đảo chiều của hầu hết các cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã lớn khác, đã tạo thêm gánh nặng lên thị trường khiến VN-Index thu hẹp đà tăng và dần đảo chiều sau gần 1 giờ giao dịch.

Tuy nhiên, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, đặc biệt trong đợt khớp lệnh ATC đã giúp VN-Index thoát hiểm trong gang tấc và bảo toàn ngưỡng kháng cự 725 điểm khi kết phiên cuối tuần.

Đóng cửa, sàn HOSE có 148 mã tăng và 108 mã giảm, VN-Index tăng 0,38 điểm (+0,05%) lên 725,37 điểm. Thanh khoản sôi động với tổng khối lượng giao dịch đạt 188,85 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 4.635,59 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 11/5

Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 13 triệu đơn vị với tổng giá trị đạt 669,49 tỷ đồng. Trong đó, MWG thỏa thuận 1,45 triệu đơn vị, giá trị 233,94 tỷ đồng; GMD thỏa thuận 2,58 triệu đơn vị, giá trị 94,42 tỷ đồng…

Nhóm cổ phiếu bluechip khác phân hóa, cụ thể, trong nhóm VN30 có 14 mã tăng, 12 mã giảm và 4 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm nhẹ 0,18 điểm (-0,03%) xuống 690,84 điểm.

Một số mã lớn đóng vai trò là lực đỡ chính giúp thị trường hồi phục như VNM, BVH, HSG, MWG, CTG… Thêm vào đó, GMD duy trì sắc tím với mức tăng 6,9% kết thúc chuỗi ngày giao dịch dưới mốc tham chiếu trước đó.

Ngoại trừ CTG nhích nhẹ với biên độ tăng chưa tới 0,3%, còn lại các mã khác trong nhóm ngân hàng giao dịch khá tiêu cực như BID, VCB, MBB, STB đều giảm trên dưới 1%.

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên hôm qua vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh các mã tăng nóng trong chuỗi ngày dài như QCG, MCG, NVT, thị trường còn chứng kiến cuộc chạy đua của nhiều mã khác mới nổi nhờ dòng tiền chuyển hướng và giao dịch mạnh.

Lần lượt các mã CLG, FTM, TDH, SCR cũng đua trần. Trong đó, SCR đã có màn lội ngược dòng khá ngoạn mục. Sau khi mở cửa giảm điểm, SCR đã nhanh chóng hồi phục và tăng khá tốt trong phiên sáng, tạo đà để cổ phiếu này leo thẳng lên mức giá trần.

Kết phiên, SCR tăng 6,8% lên mức 11.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 14,9 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,22 triệu đơn vị. Đây cũng là mức giá cao nhất của SCR trong khoảng 11 tháng qua, kể từ đầu tháng 7/2016 đến nay.

Tương tự, TDH cũng có những bước đi đầu tiên không mấy thuận lợi khi mở cửa tiếp tục giao dịch trong sắc đỏ, tuy nhiên, lực cầu hấp thụ mạnh giúp cổ phiếu này đảo chiều tăng mạnh và leo lên mức giá trần khi chốt phiên. Với mức tăng 7%, TDH cũng thiết lập mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua, lên 17.600 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 2,35 triệu đơn vị.

Dù không có được sắc tím nhưng cổ phiếu lớn trong nhóm là ROS cũng tạo được bước đột phá lớn. Giống 3 phiên trước đó, ROS đã thu hẹp đáng kể đà giảm điểm trong phiên sáng và nhanh chóng có được sắc xanh khi bước sang phiên chiều cuối tuần, nhưng lực cầu hấp thụ mạnh giúp cổ phiếu này tăng khá tốt.

Với mức tăng 1%, ROS đóng cửa tại mức giá 162.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng hơn 6 triệu đơn vị, đóng góp lớn nhất vào thanh khoản thị trường với tổng giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 962 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm như HQC, KBC, FLC… cũng tăng điểm khá tích cực. Đáng kể, ROS tiếp tục có cú đảo

Trên sàn HNX, lực bán cũng gia tăng mạnh đẩy HNX-Index lui về sát mốc tham chiếu, tuy nhiên, cú hồi phục tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip về cuối phiên đã giúp chỉ số này nhích bước đi lên.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,2%) lên 90,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 50,67 triệu đơn vị, giá trị 520,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 5,3 tỷ đồng.

Bộ đôi cổ phiếu họ ngân hàng có sự phân hóa, trong khi ACB hồi phục với mức tăng 0,85% và khớp 1,4 triệu đơn vị, thì SHB lại đảo chiều giảm 1,47%, kết phiên tại mức 6.700 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 9,94 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Bên cạnh ACB, nhiều mã lớn khác cũng hỗ trợ tốt giúp thị trường duy trì đà tăng điểm như NTP, PVS, PLC, LAS, VCG…

Cũng giống sàn HOSE, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào các cổ phiếu trong nhóm bất động sản giúp giá và thanh khoản của nhiều mã khá cao. Cụ thể, VCG tăng gần 1,3% và khớp 1,49 triệu đơn vị; HUT tăng 0,71% và khớp 1,81 triệu đơn vị; CEO đứng giá tham chiếu và khớp hơn 3,2 triệu đơn vị…

Trên sàn UPCoM, những tưởng đà tăng mạnh của HVN cùng sự hồi phục của một số mã lớn giúp UPCoM-Index đảo chiều thành công, tuy nhiên, tia hy vọng nhanh chóng bị dập tắt ngay sau tín hiệu le lói sắc xanh ở giữa phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,25%) xuống 57,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,96 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 140,74 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận khá tích cực, đạt 7,55 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 245,54 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ VOC thỏa thuận 6,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 214,41 tỷ đồng và ACV thỏa thuận hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 27,15 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn HVN duy trì đà tăng khá tốt với biên độ 3,9%, đóng cửa tại mức giá 29.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng tăng khá tốt như GEX, VGT, MCH…

Cổ phiếu giao dịch mạnh nhất trên sàn UPCoM là QPH với khối lượng giao dịch đạt gần 1,6 triệu đơn vị, tuy nhiên, đóng cửa, QPH giảm 14,69% xuống mức giá sàn 18.000 đồng/CP.