Diễn biến giao dịch cho thấy, tuy tâm lý thị trường vẫn rất thận trọng, nhưng sức ép lên thị trường đã không còn mạnh như phiên trước. Cùng với đó, thanh khoản thị trường đã gia tăng mạnh, chủ yếu đến từ giao dịch của cổ phiếu VPB, được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số cải thiện về điểm số.
Và thực tế, VN-Index đã có nhịp hồi nhẹ ở nửa đầu phiên giao dịch chiều khi đã về được tham chiếu. Những tưởng VN-Index sẽ tiếp đà hồi phục trong thời gian còn lại của phiên thì áp lực bán bất ngờ tăng vọt.
Trong bối cảnh sức cầu còn yếu, việc nhà đầu tư đồng loạt xả hàng khiến VN-Index quay đầu lao dốc, rơi về mốc thấp nhất ngày gần 767 điểm, tức mất gần 6 điểm.
Đóng cửa phiên 17/8, với 209 mã giảm, gấp hơn 3 lần so với số mã tăng là 67 mã, VN-Index giảm 5,98 điểm (-0,77%) xuống 767,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 238,32 triệu đơn vị, giá trị 5.696,22 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 424 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 4,8 triệu cổ phiếu VNG, giá trị 52,89 tỷ đồng; 3,875 triệu cổ phiếu HAI, giá trị 53,12 tỷ đồng, 1 triệu cổ phiếu HPG, giá trị 32 tỷ đồng…
Diễn biến VN-Index phiên 17/8 |
Áp lực xả mạnh khiến nhóm VN30 chỉ còn 6 mã tăng, trong đó 4 mã vốn hóa lớn là VNM, SAB, ROS và MSN, còn lai đều giảm điểm. Đây cũng là những “má phanh” giúp VN-Index hãm bớt đà rơi.
SAB tăng 1,6% lên 253.00 đồng/CP, VNM tăng 0,8% lên 148.800 đồng/CP, MSN tăng 0,7% lên 253.00 đồng/CP, ROS tăng 0,5% lên 93.000 đồng/CP. Trong đó, ROS khớp 2,19 triệu đơn vị, MSN khớp 1,17 triệu đơn vị.
Các mã giảm mạnh trong rổ VN30 có GAS, CTD, DHG, MWG, FPT. Cổ phiếu ngân hàng cũng không mã nào tăng. BID giảm 4% về 19.200 đồng/CP, khớp lệnh 5,63 triệu đơn vị. Các mã khác giảm nhẹ hơn, trong đó MBB khớp 3,7 triệu đơn vị, CTG khớp 1,66 triệu đơn vị.
Với mức giá chào sàn 39.000 đồng/CP, mức giá được đánh giá là cao so với trên thị trường OTC khiến VPB gặp bất lợi về mặt điểm số trong ngày đầu giao dịch trên HOSE bởi áp lực cung giá cao lớn.
Tuy nhiên, sức cầu cũng rất “khủng” giúp VPB giữ được mốc tham chiếu khi đóng cửa, với lượng khớp lên tới 58,299 triệu đơn vị, mức kỷ lục từ trước đến nay của cổ phiếu này. Trong đó, khối ngoại mua vào tới hơn 37,35 triệu đơn vị. Giao dịch đột biến tại VPB cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường vọt tăng phiên này.
Trong nhóm ngân hàng, với việc đóng cửa ở mức 39.000 đồng/CP, hệ số P/E của VPB đạt 9,6 lần, chỉ sau VCB (18 lần); nhưng với hệ số P/B, VPB dẫn đầu đạt 2,66 lần, so với 2,58 lần của VCB.
Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc đỏ cũng bao trùm, giao dịch vẫn tương đối ảm đạm bởi tâm ý thận trọng cao. Các mã có thanh khoản tốt nhất là OGC, HQC, DXG cũng chỉ hơn 8 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, các mã TSC, HAR, HAI, EIB, CCL, ATG, QBS… tiếp tục giảm sàn. Riêng HAI đã là phiên sàn thứ 7 liên tục.