Trong phiên hoàn tất đợt cơ cấu danh mục đầu tiên của năm 2016, mặc dù giao dịch bùng nổ, nhưng việc các quỹ ETF bán mạnh bluechips đã khiến VN-Index giảm điểm khá mạnh, lùi về mốc 575 điểm.
Như thường lệ, vào mỗi phiên cuối cùng của kỳ cơ cấu danh mục, ETFs tiếp tục tập trung giao dịch mạnh trong đợt khớp lệnh ATC với các lệnh khớp hàng chục triệu đơn vị. Thanh khoản thị trường theo đó vọt tăng mạnh chỉ trong chỉ trong ít phút cuối phiên. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt gần 4.700 đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước sức ép bán mạnh của ETFs, đa phần các mã trong nhóm VN30 giảm điểm, qua đó kéo VN-Index lùi về mốc 575 điểm. Sự suy yếu của nhóm dầu khí cũng góp phần khiến đà giảm thị trường được nới rộng.
Đóng cửa, VN-Index giảm 3,44 điểm (-0,59%) xuống 575,82 điểm với 85 mã tăng và 133 mã giảm. Chỉ số VN30-Index giảm 4,52 điểm (-0,77%) xuống 581,95 điểm với 7 mã tăng và 19 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,16 triệu đơn vị, giá trị 4.014,78 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 18/3 |
Ngược lại, HNX-Index vẫn tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,03%) lên 80,59 điểm với 88 mã tăng và 121 mã giảm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) xuống 144,3 điểm với 8 mã tăng và 14 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,8 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 570 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên 18/3 |
Trong các mã được các ETFs cơ cấu, đáng chú ý nhất có lẽ là việc bất ngờ “lau sàn” của SBT. Dù được quỹ V.N.M thêm vào danh mục, song điều này không đủ giúp SBT thoát cảnh bị bán mạnh nên giảm sàn xuống mức 28.700 đồng và khớp được gần 4,67 triệu đơn vị. SBT còn được thỏa thuận 2,1 triệu đơn vị ở mức giá sàn.
Ngược lại, dù bị quỹ V.N.M loại, song PPC lại có được mức tăng tối thiểu lên 18.500 đồng/CP và khớp tới hơn 7 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào gầ 2,8 triệu đơn vị.
HQC cũng gây chú ý không kém khi chỉ trong ít phút trước lúc đóng cửa, đã có tới 16,39 triệu cổ phiếu được sang tên, nâng tổng số cổ phiếu giao dịch thành công cả phiên lên 18,94 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào xấp xỉ 13 triệu đơn vị. Tuy nhiên, HQC cũng chỉ dừng ở mức tham chiếu 6.200 đồng/CP. HQC là 1 trong 5 mã được quỹ FTSE thêm vào rổ, 4 mã còn lại là HNG, ASM, HHS và PGD.
HNG phiên này khớp tổng cộng 10,24 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào 8,54 triệu đơn vị và riêng đợt ATC khớp tới hơn 7,18 triệu đơn vị. Kết phiên HNG đã tăng đến mệnh giá 10.000 đồng/CP, tương ứng tăng 200 đồng. Trong khi đó, HAG chỉ đứng giá tham chiếu 8.400 đồng/CP và khớp 3,8 triệu đơn vị, khối ngoại mua 1,34 triệu đơn vị.
ASM thỏa thuận 6,7 triệu đơn vị, giá trị 124,6 tỷ đồng; PGD thỏa thuận 2,4 triệu đơn vị, giá trị 85,3 tỷ đồng.
Riêng HHS thỏa thuận 7,88 triệu đơn vị, giá trị 80,4 tỷ đồng và khớp lệnh hơn 5,1 triệu đơn vị, giảm 100 đồng xuống 10.200 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã như VIC, VCB, STB, SSI… đều khớp lệnh từ hơn 5-6 triệu đơn vị và cùng giảm điểm. VIC giảm mạnh 900 đồng về 44.100 đồng/CP.
MSN giảm 1.000 đồng, BVH giảm 500 đồng và cùng khớp được hơn 1 triệu đơn vị.
Ngược lại, FPT, HSG, PVD, KDC… cùng có được mức tăng tốt, qua đó giúp giảm bớt đà rơi của chỉ số. FPT tăng 800 đồng lên 49.300 đồng/CP và khớp 2,5 triệu đơn vị.
Tại nhóm dầu khí, PVS vẫn giữ được mức tăng 100 đồng lên 17.00 đồng/CP, song thanh khoản đã vươn lên dẫn đầu HNX với 3,5 triệu đơn vị được khớp, vượt qua VIX với hơn 2,86 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 200 đồng lên 7.200 đồng/CP.
PVS cùng với PVB, PLC, NTP, VCG, KLS, AAA… là các trụ đỡ giúp HNX-Index giữ được sắc xanh nhạt. KLS và VCG cùng khớp trên 1,2 triệu đơn vị.