Với phiên tăng tích cực trước đó, VN-Index sớm vọt lên mức đỉnh mới 1.187 điểm ngay khi mở cửa phiên 27/3. Song dường như việc hưng phấn quá sớm đã "làm hại" VN-Index, bởi ngay sau đó, áp lực bán gia tăng mạnh, đẩy VN-Index thoái lui.

Trong phiên chiều, một lần nữa VN-Index thử sức với vùng 1.180 điểm, nhưng thêm một lần lực bán mạnh lại diễn ra, nhất là ở nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng, cũng như một số mã lớn khác, đẩy VN-Index lao thẳng xuống dưới tham chiếu.

May nhờ sự khởi sắc của VNM, cùng sự giúp sức của VJC, HDB, nên VN-Index giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên, nhưng không thể lấy lại được mức đóng cửa lịch sử thiết lập phiên thứ Năm tuần trước. 

Đóng cửa, với 133 mã tăng và 156 mã giảm, VN-Index tăng 0,51 điểm (+0,04%) lên 1.171,73 điểm. Tổng khối lượng giao địch dạt 237,76 triệu đơn vị, giá trị 6.834,60 tỷ đồng, tăng 12,3% về khối lượng, nhưng giảm 8,12% về giá trị so với phiên 26/3.

Diễn biến VN-Index phiên 27/3

Trong đó, giao dịch thỏa thuận khá đáng kể với hơn 36,45 triệu đơn vị, giá trị gần 1.226 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu VIC ở mức giá sàn, giá trị 105,9 tỷ đồng; 1,759 triệu cổ phiếu FPT ở mức giá trần, giá trị 111,37 tỷ đồng; 1,12 triệu cổ phiếu VCI, giá trị 114 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu VIC ở mức giá sàn, giá trị 105,9 tỷ đồng; 31 triệu cổ phiếu PDR, giá trị 117,6 tỷ đồng; 2,121 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 134,4 tỷ đồng; 5,3 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 94,36 tỷ đồng...

Cũng giống như phiên trước, dòng tiền phiên này tiếp tục tập trung tại nhóm VN30 khi thanh khoản rổ VN30 chiếm khoảng 50% thanh khoản toàn sàn HOSE. Một trong những diễn biến đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm này là sự so kè giữa VNM và VIC. Có thời điểm VIC đã bật tăng mạnh, đẩy giá trị vốn hóa vượt qua cả VNM trở thành mã vốn hóa lớn nhất thị trường.

Tuy nhiên, sự thăng hoa này không giữ được lâu, VIC nhanh chóng thoái lui, thậm chí chốt phiên trong sắc đỏ. Trong khi đó, VNM vẫn khá vững vàng và trở thành trụ đỡ chính giúp VN-Index thoát hiểm trong bối cảnh sắc đỏ lấn át. VNM kết phiên tăng 2,2% lên 213.000 đồng và khớp tới 1,66 triệu đơn vị.

Ngoài VNM, các mã NVL, VJC, VRE cũng tăng mạnh để hỗ trợ chỉ số, trong đó NVL tăng trần lên 65.000 đồng (+7), khớp lệnh 1,43 triệu đơn vị. VJC tăng 1,9% lên 222.000 đồng, khớp lệnh 0,785 triệu đơn vị. VRE tăng 3,5% lên 50.300 đồng, khớp lệnh 1,625 triệu đơn vị.

Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có VIC và VRE tăng điểm, còn lại đều giảm. VIC giảm 0,7% về 113.000 đồng, khớp lệnh 3,14 triệu đơn vị. BID và VCB đều giảm khá mạnh khoảng 1,5%, cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng có sự phân hóa rõ nét. Trong khi BID, VCB, STB và EIB giảm điểm, thì VPB, HDB tăng, còn CTG và MBB đứng giá tham chiếu. Sự không đồng thuận của nhóm cổ phiếu được coi là đầu tàu này cũng là nguyên nhân khiến VN-Index suy yếu.

STB và CTG là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm, lần lượt khớp 8,28 triệu và 7,58 triệu đơn vị. MBB khớp 4,89 triệu đơn vị.

Về phía các mã nhỏ, FLC là "ngôi sao" với mức tăng trần 6.580 đồng. Sự thăng hoa của FLC có lẽ xuất phát từ thông tin Tập đoàn FLC đã chính thức ký thỏa thuận mua 24 máy bay của Airbus ngày hôm nay 27/3.

Ngoại trừ FIT, sự tích cực của FLC đều khiến các anh em khác như ROS, AMD, HAI được "thơm lây". FLC khớp tới 37,19 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường. ROS, AMD, HAI khớp trên dưới 1 triệu đơn vị. FIT khớp 5,53 triệu đơn vị, giảm 6,1% về 6.900 đồng.

Các mã VHG, EVG, APC cũng tăng trần, thanh khoản khá cao từ 0,8-2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau thời điểm tích cực đầu phiên, áp lực bán mạnh cũng đã xuất hiện và khiến sàn này dần suy yếu và kết phiên trong sắc đỏ do thiếu sự hỗ trợ của các mã lớn. Dù vậy, mức thanh khoản cao vẫn được HNX duy trì.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,29%) xuống 133,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,87 triệu đơn vị, giá trị 1.169,32 tỷ đồng, tăng 5,2% về khối lượng và 2,6% về giá trị so với phiên 26/3.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 3,3 triệu đơn vị, giá trị 76 tỷ đồng, chủ yếu đến tư thỏa thuận của 2 triệu cổ phiếu SHS, giá trị 50 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn như PVS, PVC, PVI, PLC, SHB, SHS, VGC, NTP... đồng loạt giảm điểm khá mạnh, tạo sức ép lớn lên HNX-Index. Việc một số mã trụ khác như ACB, CEO, HUT, VCS... tăng cũng chỉ giúp chỉ số không giảm sâu.

PVS giảm mạnh 8,9% về 21.600 đồng, thanh khoản dẫn đầu sàn và tiếp tục ở mức rất cao với lượng khớp hơn 15,3 triệu đơn vị, chỉ sau phiên kỷ lục hôm qua là hơn 18 riệu đơn vị. SHB giảm 0,8% về 13.200 đồng, khớp lệnh 14,26 triệu đơn vị. Thanh khoản của 2 mã này cũng vượt trội so với các mã còn lại.

ACB tăng 0,4% lên 47.500 đồng và khớp được 3,3 triệu đơn vị. CEO tăng 0,8% lên 12.700 đồng, khớp lệnh 3,58 triệu đơn vị.

Cũng giống như các cổ phiếu "họ" FLC khác trên HOSE, mã KLF cũng tăng mạnh lên giá trần 2.600 đồng, khớp lệnh 3,978 triệu đơn vị.

Ngược lại, SPP giảm sàn về 7.200 đồng (-10%), qua đó chấm dứt chuỗi tăng ở con số 6, trong đó có 5 phiên trần liên tiếp. SPP khớp lệnh 2,11 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, dù chịu rung lắc khá mạnh, đặc biệt trong những thời điểm đầu và cuối phiên, nhưng sàn này vẫn duy trì được sắc xanh trong suốt phiên. Thanh khoản phiên này giảm mạnh do không còn đột biến từ giao dịch thỏa thuận như phiên trước.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,4%) lên 60,27. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,09 triệu đơn vị, giá trị 218,96 tỷ đồng, giảm 83% về khối lượng và 80% về giá trị so với phiên 26/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 29 tỷ đồng.

Tuy LPB, BSR và POW là 3 mã thanh khoản cao nhất sàn, song đều chỉ khớp nhỉnh hơn 1 triệu đơn vị, trong đó dẫn đầu là LPB với 1,3 triệu đơn vị được khớp, và tất cả đều không tăng. LPB đứng giá 15.500 đồng. POW giảm 1,3% về 15.600 đồng. BSR giảm 0,4% về 26.100 đồng.

Ngược lại, nhiều mã lớn như HVN, ACV, VGT, VIB, QNS, VGG... đều tăng điểm, dù vậy thanh khoản những mã này không cao.