Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV |
Không mở rộng thỏa thuận đất cho nhà ở thương mại
Gồm 16 chương và 260 điều, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Được thảo luận qua 4 kỳ họp của Quốc hội, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho đến phiên thảo luận cuối cùng ở Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn không ít nội dung khiến các đại biểu băn khoăn.
“Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đã thống nhất cao về Dự thảo Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút.
Giải trình ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vẫn giữ phương pháp thặng dư trong định giá đất, ban hành bảng giá đất hằng năm, phân biệt giữa trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất một lần và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm…
Các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tiếp tục quy định tại Dự thảo Luật về phương pháp thặng dư. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nền kinh tế đang phát triển, thì việc sử dụng phương pháp thặng dư trên cơ sở ước tính giá trị tương lai là cần thiết, vì chưa có sẵn những thông tin dự án tương tự đã hình thành và giao dịch để áp dụng các phương pháp định giá khác. Mặt khác, về cả khoa học và thực tiễn, phương pháp thặng dư vẫn đang được sử dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
Đáng chú ý là, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng điều kiện được nhận chuyển nhượng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm như Dự thảo đã trình đầu kỳ họp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh giải thích, đây là chính sách đã được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và biểu quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất khi xem xét sửa đổi Điều 23, Luật Nhà ở năm 2014 theo Luật số 03/2022/QH15. Trên cơ sở chính sách đã được thống nhất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền đối với nội dung này khi thông qua Luật Nhà ở năm 2023 về kế thừa quy định tại Điều 23, Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung theo Luật số 03/2022/QH15, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này quy định: được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.
“Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật”, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Luật đã bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, mở rộng quyền của công dân Việt Nam, kể cả người định cư ở nước ngoài.
“Luật cũng quy định rõ, chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết, mở rộng quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…”, ông Hiếu thông tin.
Kiểm soát tốt hơn rủi ro hệ thống ngân hàng
So với Dự thảo công bố trước đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua có nhiều chỉnh lý, bổ sung quan trọng, đặc biệt là các quy định về ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, các quy định về can thiệp sớm tổ chức tín dụng…
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật đã chính thức siết giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông là tổ chức. Theo đó, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (quy định hiện hành là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (quy định hiện hành là 20%). Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
Đây là một trong các biện pháp hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, giúp tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông của các tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, bảo đảm tính đại chúng của tổ chức tín dụng.
Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), Luật đã đưa ra lộ trình 5 năm trong việc giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Cụ thể, từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng là 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Các tỷ lệ này giảm lần lượt 1% mỗi năm và trở về mức 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó kể từ ngày 1/1/2029.
Luật cũng quy định rất chặt về các trường hợp lãnh đạo là người quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng để tránh tình trạng một ông chủ cùng đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại tổ chức tín dụng có thể tác động hoặc hỗ trợ việc quyết định cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà họ đồng thời là người quản lý, điều hành, dẫn tới ưu tiên rót vốn “sân sau”.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, với những sửa đổi, bổ sung quan trọng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp việc kiểm soát sở hữu chéo, kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng hiệu quả hơn, can thiệp các ngân hàng yếu kém kịp thời hơn.
Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua lần này, cùng với một số luật quan trọng được thông qua trước đó như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ giúp thị trường bất động sản và thị trường ngân hàng phát triển an toàn, minh bạch và lành mạnh hơn trong thời gian tới.
Quốc hội đồng ý phân bổ 33.156,987 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường này.
Cùng với đó, Quốc hội cũng cho phép sử dụng 2.526,16 tỷ đồng dự phòng của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).