Phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. |
Quốc hội Khóa XV sẽ bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm vào sáng nay (18/1), sau khi bấm nút quyết định 4 nội dung trong chương trình.
Sau ngày 17/1 nghỉ để để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung đã bàn thảo, sáng nay, 18/1, các vị đại biểu Quốc hội quay lại phòng Diên Hồng họp phiên bế mạc.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ lần lượt bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nội dung tiếp theo được bấm nút là Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cả bốn nội dung trên đều đã được đặt lên bàn nghị sự của Kỳ họp trong hai ngày 15 và 16/1. Các cơ quan chức năng sau đó nhanh chóng tiếp thu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp sáng 17/1.
Thông tin về cuộc họp này, về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nêu, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về kết cấu của báo cáo; các nội dung tiếp thu, giải trình; góp ý trực tiếp vào dự thảo luật.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo được Tổng thư ký Quốc hội gửi tới các vị đại biểu, bên cạnh vấn đề chung, các vị đại biểu còn góp ý về nhiều nội dung cụ thể của Dự thảo, từ giải thích từ ngữ, nguyên tắc sử dụng đất, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai cho đến các vấn đề về thu hồi, định giá đất…
Với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các vấn đề về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng (khoản 24 Điều 4, Điều 63, Điều 136); Về bảo vệ quyền lợi của khách hàng (Điều 10); Về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, tài sản cho thuê tài chính (Điều 102); Về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (Điều 159); Về chấm dứt can thiệp sớm (Điều 161); Về thẩm quyền quyết định cho vay, lãi suất và tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt (Điều 193); Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII)… Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (không thay đổi số điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội vào ngày 15/01/2024).
Tại dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình thí điểm cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025. Một số ý kiến cho rằng diện thí điểm nên nhiều hơn 1 huyện.
Phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, liên quan đến việc lựa chọn số huyện để thực hiện thí điểm, sau khi thông báo chủ trương cho thấy số lượng các tỉnh đăng ký không nhiều.
Do là thực hiện thí điểm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng không nên mở rộng bởi sẽ khó kiểm soát. Vì vậy, kiến nghị xem xét không nên quá 2 huyện thực hiện thí điểm. Theo tiêu chí lựa chọn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có hai xu hướng lựa chọn, có tỉnh lựa chọn địa bàn khó khăn nhất thí điểm để tháo gỡ, có tỉnh sẽ chọn huyện làm rất tốt để thử mô hình để từ đó có đối chứng trên thực tiễn.
Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan trên cơ sở ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự nỗ lực cao nhất khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần nữa bằng văn bản và gửi cho đại biểu Quốc hội ngay trong ngày 17/1 để các đại biểu có thời gian nghiên cứu xem xét trước khi quyết định bấm nút thông qua vào sáng 18/1.