Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường thường dao động trong biên độ lớn  và đóng cửa với mức giảm mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như biến động khó lường của thị trường chứng khoán quốc tế, sức cầu hạn chế, dòng tiền vào thị trường dè dặt, tạo sức ép tâm lý cho nhà đầu tư...

Phiên giao dịch hôm nay cũng không là ngoại lệ. Thị trường bất ngờ bật lên ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, sắc xanh đầu phiên nhanh chóng được thay bằng sắc đỏ khi áp lực bán tăng dần, có thời điểm VN-Index lùi qua mốc 955 điểm, trước khi hồi nhẹ lúc kết thúc phiên sáng.

Diễn biến này một lần nữa lặp lại trong phiên chiều. VN-Index nhanh chóng được kéo về mốc tham chiếu 968 điểm ngay sau giở nghỉ trưa, rồi cũng rất nhanh giảm trở lại trước áp lực bán mạnh.

Trong bối cảnh sức cầu hạn chế, dòng tiền vào thị trường thận trọng, mà áp lực bán sau mỗi nhịp hồi phục mỗi lúc tỏ ra mạnh và dứt khoát hơn, nên việc VN-Index tiếp tục có thêm phiên giảm mạnh là dễ hiểu.

Đóng cửa, với 208 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index giảm 11,56 điểm (-1,19%) xuống 957,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 159,08 đơn vị, giá trị 3.996,51 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 32% về giá trị so với phiên 27/6.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,75 triệu đơn vị, giá trị 818 tỷ đồng. Đáng chú ý, mã HNG đã 15,39 triệu đơn vị được thỏa thuận ở mức giá sàn 9.210 đồng, giá trị 2.532 tỷ đồng; 3,21 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 162,33 tỷ đồng...

Diễn biến VN-Index phiên 28/6

Áp lực bán mạnh khiến đa phần nhóm bluechips giữ sắc đỏ. Tuy nhiên, gây sức ép lớn nhất lên VN-Index là nhóm ngân hàng khi cả 10 mã niêm yết trên HOSE đều giảm điểm, trong đó TCB giảm 1,5% về 92.200 đồng, BID giảm 3,4% về 25.900 đồng, CTG giảm 2,8% về 24.300 đồng, HDB giảm 4,4% về 34.600 đồng; MBB giảm 2,9% về 92.200 đồng...

CTG và MBB khớp lệnh mạnh nhất nhóm với cùng 5,5 triệu đơn vị, tiếp đó là BID với 3,8 triệu đơn vị, STB là 3,6 triệu đơn vị...

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất có tới 8 mã giảm giá, trong đó VMN, GAS, MSN... cùng giảm mạnh.

Đáng chú ý, PNJ giảm sàn 90.300 đồng (-6,7%) và đây cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của mã này. PNJ đang hướng về vùng điểm 90.000 đồng - thấp nhất trong 6 tháng qua.

VIC, ROS, VNL, SBT... là những sắc xanh hiếm hoi, thanh khoản không cao. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tỷ lệ 1.000:210 của VIC, mã này tăng 3,9% lên 107.500 đồng, khớp lệnh 1,19 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sắc đỏ cũng bao phủ lên nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Các cổ phiếu thị trường như FLC, HAG, DXG, HQC, SCR, HAI, DLG, OGC... đều giảm điểm. FLC khớp lệnh 9,3 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, giảm sát mức sàn về 5.050 đồng (-5,1%). Các mã LDG, ANV cũng giảm sàn, trong đó LDG khớp 2,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc đỏ diễn ra trong suốt phiên giao dịch. Cũng có thời điểm chỉ số HNX-Index ghi nhân sự hồi phục, song cũng tương tự như HOSE, áp lực bán luôn xuất hiện sau mỗi nhịp hồi và kéo chỉ số về mức giảm sâu hơn.

Đóng cửa, với 91 mã giảm và 67 mã tăng, HNX-Index giảm 2,6 điểm (-2,38%) xuống 107,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,02 đơn vị, giá trị 572 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng, nhưng tăng tới 136% về giá trị so với phiên 27/6.

Thanh khoản phiên này tại HNX ghi nhận sự đột biến nhờ giao dịch thỏa thuận của 6,96 triệu cổ phiếu ACB ở mức giá trần 37.000 đồng, giá trị hơn 261 tỷ đồng.

Tuy được thỏa thuận ở mức giá trần, nhưng kết phiên, ACB vẫn giảm mạnh 3,7% về 36.100 đồng và là một trong những gánh nặng đáng kể nhất của HNX-Index.

Ngoài ACB, gây sức ép lớn lên chỉ số còn phải kể đến VGC với mức giảm sàn về 21.500 đồng (-9,7%). VGC khớp lệnh 5,53 triệu đơn vị , dẫn đầu HNX. ACB đứng thứ 2 với 5,07 triệu đơn vị được sang tên.

Các mã SHB, PVS, HUT, SHS, CEO, VCG, PVI... cũng chìm trong sắc đỏ. SHB giảm 2,4% về 8.300 đồng, khớp lệnh 4,68 triệu đơn vị; PVS giảm 1,7% về 17.400 đồng, khớp lệnh 3,49 triệu đơn vị...

Một số mã như SPP, SPI, VIG... cũng giảm sàn phiên này, nhưng thanh khoản không thực sự mạnh.

Trên sàn UPCoM, đà giảm mạnh chỉ xuất hiện ở phiên giao dịch sáng. Trong phiên chiều, chỉ số sàn này chủ yếu diễn biến giằng co, trước khi chốt phiên ở mức thấp nhất ngày khi áp lực bán gia tăng. Thanh khoản cũng giảm mạnh.

Đóng cửa, với 79 mã giảm và 80 mã tăng, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,59%) xuống 51,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,4 triệu đơn vị, giá trị 139 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên 27/6.

Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 205,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 4,859 triệu cổ phiếu VIB, giá trị gần 123 tỷ đồng.

Trong số 17 mã có thanh khoản từ 100.000 đơn vị trở lên, chỉ có 2 mã tăng là HTM và MQB (cùng khớp hơn 123.000 đơn vị). OIL dẫn đầu thanh khoản sàn UPCoM với chỉ 2,37 triệu đơn vị, tiếp theo là TOP và BSR với cùng lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị, trong đó OIL và TOP đứng giá, BSR giảm 0,6% về 17.800 đồng.

Các mã ngân hàng trên sàn này cũng đều không tăng, trong đó KLB và BAB đứng giá, còn LPB và VIB giảm điểm. LPB giảm 1,8% về 11.200 đồng. VIB giảm 1,1% về 26.800 đồng.

Ngoài ra, các mã POW, HVN, ACV, QNS, DVN, SSN... cũng giảm điểm.