Diễn biến VN-Index phiên ngày 30/11 |
Trong phiên giao dịch sáng, một số mã lớn như BVH, VNM, MSN có được sắc xanh tích cực cùng sự hồi phục nhẹ của nhóm cổ phiếu đầu cơ về cuối phiên giúp thị trường không quá giảm sâu, chỉ số Vn-Index giằng co quanh mốc 580 điểm. Nhà đầu tư khá yên tâm và kỳ vọng vào phiên chiều sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
Tuy nhiên, nỗ lực của phiên sáng cùng những kỳ vọng nhà đầu tư nhanh chóng bị dập tắt ngay khi bước vào phiên chiều. Áp lực đẩy bán gia tăng mạnh kéo VN-Index lao thẳng xuống sát mốc 570 điểm chỉ sau hơn 30 phút giao dịch. Ngay sau khi đánh mất hơn 10 điểm, lực cầu hấp tăng đã giúp thị trường hồi nhẹ nhưng VN-Index lại một nữa bẻ gãy ngưỡng kháng cự tiếp theo là mốc 575 điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng rơi về mốc 80 điểm.
Sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, trong đó, bên cạnh đà giảm sâu của các cổ phiếu bluechip, nhiều cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ cũng đua nhau chạm sàn khiến thị trường không có cơ hội ngóc đầu dậy.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 165 mã giảm, gấp gần 3 lần số mã tăng (chỉ 56 mã), trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip cũng hầu hết đỏ điểm với 25 mã giảm, chỉ 3 mã tăng và 2 mã đứng giá. Sàn HNX cũng có tới 149 mã giảm và chỉ 62 mã tăng, trong đó, nhóm HNX30 chỉ còn duy nhất PVG tăng nhẹ, 4 mã đứng giá, còn lại 25 mã giảm.
Chỉ số Vn-Index giảm 9,66 điểm (-1,66%) xuống 573,2 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 132,94 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.108,15 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 20,14 triệu đơn vị, trị giá 354,8 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên ngày 30/11 |
HNX-Index giảm 0,88 điểm (-1,07%) xuống 80,61 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 50 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 541,49 điểm. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,22 triệu đơn vị, trị giá 144,2 tỷ đồng. Riêng LAS thỏa thuận 3 triệu đơn vị, trị giá 96 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, MSN sau những phút giằng co đã lấy lại sắc xanh vững chắc với mức tăng 1,45% nhờ lực cầu hấp thụ tốt. Chốt phiên, MSN đã chuyển nhượng thành công hơn 1,2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, 2 mã bluechip khác là KDC và VIC cũng đi ngược thị trường khi đảo chiều tăng điểm thành công, tuy nhiên đà tăng khá hạn chế ở mức 1-2 bước giá. Trái lại, BVH lại điều chỉnh trước áp lực bán trên diện rộng và giảm 1,82%.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đồng loạt nới rộng đà giảm như VCB giảm tới 3,16%, BID giảm 4,23%, STB giảm 5,98%, CTG giảm 3,66%, EIB giảm 3,67%, MBB cũng đánh mất mốc tham chiếu và giảm 1,4%, trong khi, lực đỡ chính trên sàn HNX là ACB cũng quay về mốc tham chiếu.
Bên cạnh đó, thông tin giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm sâu đã tác động lớn kéo các cổ phiếu lớn bé trong nhóm dầu khí đều suy giảm mạnh, cụ thể, PVD giảm 2,8%, GAS giảm 3,96%, PVS giảm 2%, PVC giảm 1,69%, PVB giảm 3,51%; các mã nhỏ như PTL, PXL giảm sàn…
Ngoài ra, đồng loạt các cổ phiếu chứng khoán cũng lần lượt chuyển đỏ như SSI, HCM, VND, BVS, KLS, SHS…
Không chỉ các cổ phiếu lớn, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đua nhau giảm mạnh. Đáng chú ý, các mã thị trường tí hon tăng mạnh trước đó đều rớt sàn với dư bán sàn còn chất đống như BGM, JVC, OGC, SHI ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp.
FLC là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản với hơn 19,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Đóng cửa, FLC xuống gần mức thấp nhất của phiên với mức giảm 3,61%. Ngoài ra, các cổ phiếu thanh khoản tốt khác trên thị trường cũng đều là các mã đầu cơ như FIT, VHG, DLG, ITA, HQC, OGC, HAI…
Trong khi đó, người anh em của FLC là KLF cũng dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh đạt 5,15 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 6%.