Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/11, diễn biến trên vẫn tiếp diễn. Mặc dù áp lực bán gia tăng và lan tỏa thị trường khiến sắc xanh ngập trần, nhưng với sự hỗ trợ của một số mã lớn, điển hình là ROS đã giúp VN-Index chốt phiên sáng trong sắc xanh mong manh.

Sang phiên chiều, tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái lình xình quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, trái với diễn biến chiều qua, sau hơn 30 phút giao dịch cầm chừng, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật cao.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, sắc xanh cũng trở lại và lan rộng khi có tới 21 mã tăng, chỉ còn 8 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu. Cùng với đó, xu hướng thị trường đã có sự đồng thuận khi số mã tăng điểm cũng chiếm áp đảo, đã giúp VN-Index phi nước đại và tăng tới hơn 10 điểm trong phiên cuối tuần.

Đóng cửa, sàn HOSE có 148 mã tăng và 116 mã giảm, VN-Index tăng 10,64 điểm (+1,28%) lên 843,73 điểm với thanh khoản tăng nhẹ so với phiên hôm qua đạt tổng khối lượng giao dịch 203,25 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 4.373,41 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 53,55 triệu đơn vị, giá trị 1.272,21 tỷ đồng. Trong đó, KBC thỏa thuận 13,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 165 tỷ đồng; MSN thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 183 tỷ đồng; VIS thỏa thuận 18,72 triệu đơn vị, giá trị 486,7 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 3/11

Dòng bank đua nhau khởi sắc. Bên cạnh VPB được kéo lên sát trần với mức tăng 6,6% lên mức 40.200 đồng/CP và khớp 1,26 triệu đơn vị, các mã khác cũng tăng tích cực như VCB tăng 1,9% lên mức 41.900 đồng/CP, BID tăng 2,3% lên mức 22.400 đồng/CP, CTG tăng 1,4% lên mức 18.750 đồng/CP, MBB tăng 0,9% lên mức 22.650 đồng/CP.

Bên cạnh đó, ROS tiếp tục duy trì đà tăng mạnh 6,9%, đóng cửa sát mức giá trần 214.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch gần gấp đôi phiên hôm qua đạt 1,33 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã lớn khác như VIC, MSN, GAS, SAB, BVH, PLX, VJC cũng lần lượt hồi phục tích cực.

Nhóm cổ phiếu thép cũng đua nhau nới rộng đà tăng như HSG tăng gần hết biên đô 6,6% và khớp hơn 6 triệu đơn vị, HPG tăng 4,4% và khớp 3,96 triệu đơn vị, POM tăng 3,15%, VIS tăng 2,1%, TLH tăng 2,9%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch tích cực. Điển hình HBC, thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty chính thức khẳng định “một số tin đồn trên một vài mạng xã hội về tình hình kết quả kinh doanh quý 3 và sắp tới của Tập đoàn rất xấu là hoàn toàn sai sự thật”, đã giúp cổ phiếu này bùng nổ trong phiên cuối tuần.

Cụ thể, sau 3 phiên liên tiếp giảm, đáng kể phiên hôm qua (2/11) giảm sàn, cổ phiếu HBC đã đảo chiều hồi mạnh khi tăng hết biên độ 6,9% và đóng cửa ở mức giá trần 51.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,44 triệu đơn vị, dư mua trần 225.860 đơn vị.

Theo lãnh đạo HBC, kết quả kinh doanh quý III của Công ty tăng trưởng khá tốt với doanh thu tăng 43% và lợi nhuận tăng 32% so với cùng kỳ. Qua đó, 9 tháng, HBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.960 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 616 tỷ đồng, tương ứng tăng 57% và 93% so với cùng kỳ 2016; đạt 68,5% kế hoạch doanh thu và 74,4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2017.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Công ty cũng cho biết, tính từ đầu năm đến 31/10/2017, Tập đoàn Hòa Bình đã trúng thầu trên 18.000 tỷ (đạt 90% kế hoạch của cả năm) và một số dự án đang dự thầu có khả năng trúng thầu rất cao.

Một điểm sáng khác trong nhóm bất động sản là KBC. Sau 4 phiên liên tiếp giảm sâu, KBC cũng tăng vọt và khoe sắc tím với mức tăng 6,7% lên mức 12.700 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh sôi động đạt hơn 5 triệu đơn vị và dư mua trần 143.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, sau gần 1 giờ duy trì đà giảm điểm, chỉ số sàn cũng đã hồi phục và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+0,91%) lên 104,36 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 45,26 triệu đơn vị, giá trị 460,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,31 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 16,23 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB đã hồi phục khá tốt khi tăng 2% lên mức 30.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,15 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng đảo chiều tăng tích cực như VGC tăng 4,76% lên mức 22.000 đồng/CP, VCS tăng 1,37% lên mức 214.900 đồng/CP, PVS tăng 1,32% lên mức 15.400 đồng/CP, PVC tăng 1,1% lên mức 9.200 đồng/CP, LAS tăng 2,2% lên mức 13.900 đồng/CP, HUT tăng 2,94% lên mức 10.500 đồng/CP... 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khởi sắc như BVS tăng 2,1% lên mức 19.400 đồng/CP, SHS tăng 0,6% lên mức 16.800 đồng/CP, CTS tăng 3% lên mức 8.990 đồng/CP, IVS tăng 1,1% lên mức 9.600 đồng/CP, MBS tăng 2,4% lên 12.700 đồng/CP, VIG tăng 5,9% lên mức 1.800 đồng/CP, VND tăng 0,5% lên mức 19.000 đồng/CP.

Cổ phiếu SHB tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 6,42 triệu đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa tại mức giá tham chiếu 7.800 đồng/CP. Tiếp đó, KLF khớp 5,37 triệu đơn vị, PVX khớp 4,62 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng khởi sắc khi đà tăng được nới rộng lên mức cao nhất trong phiên chiều.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+1,12%) lên 52,79 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,4 triệu đơn vị, giá trị 164,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,64 triệu đơn vị, giá trị 81,93 tỷ đồng, trong đó riêng VIB thỏa thuận 2,65 triệu đơn vị, giá trị 58,19 tỷ đồng.

Cổ phiếu ART sau 3 phiên lao dốc mạnh đã khởi sắc khi tăng 13,7% lên mức 16.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 476.900 đơn vị. Tương tự, HVN cũng đảo chiều hồi phục sau 6 phiên khoác áo đỏ với mức tăng 1,9%.

Trong khi đó LPB chưa thoát khỏi sắc đỏ khi giảm 1,5% với khối lượng giao dịch đạt 1,31 triệu đơn vị, vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Tiếp đó, GSM chuyển nhượng thành công 1,17 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 11.800 đồng/CP, giảm hơn 4%.

Thị trường chứng khoán phái sinh phiên 3/11 có 21.042 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.749,67 tỷ đồng, giảm 6,15% về khối lượng và 6,72% về giá trị so với phiên 2/11.