Cũng là một thanh niên đến trại gỗ. Yêu thương con gái ông chủ. Làm tiền. Bị đuổi. Và ăn cướp. “Khuyến mại” thêm những nhát dao trả thù. Và cái tệ nhất, hay đúng hơn là cái ác nhất là phim đã mô tả chi tiết đến từng nhát dao đâm. Thực tế, tên nhân vật trong phim, Dương - Linh, trùng tuyệt đối với cả hung thủ, cả nạn nhân trong vụ thảm sát ở Bình Phước.
Không khó để đoán những người thân nạn nhân đã đau buồn và thương tổn thế nào khi thảm kịch mà họ muốn chôn vùi lại bị bới ra.
Bạn chưa biết Trịnh Phong cho đến trước phim này? Và giờ, ngay khi bạn có ý định mở “gúc” tìm kiếm, thế là chiêu PR câu view đã thành công. Thế là cái ác trần trụi chính thức trở thành phương tiện để một ca sĩ vô danh tiểu tốt “làm tên tuổi”, dù theo một cách thức bẩn thỉu nhất.
Thành công, nếu coi 726 ngàn lượt xem là thành công, thì đó là thứ thành công tạo ra bởi sự chà đạp lên nỗi đau người khác.
Ngay cả cái thông điệp được giới thiệu trên phim “đừng để một phút thiếu suy nghĩ mà gây nên những lỗi lầm không bao giờ quay đầu lại được” liệu có thể tác động được đến suy nghĩ và hành động của người khác?
Khi, nói như Albert Camus: Cái ác trên thế gian hầu như thường đến từ sự ngu muội, và ý tốt cũng có thể gây hại nhiều như ác ý nếu nó thiếu đi sự thấu hiểu.
Còn nghệ thuật ư? Nếu có, chao ôi, đó là thứ nghệ thuật trưng ra cái ác một cách trần trụi. Đó là một thứ nghệ thuật câu view vô nhân tính.
Ít hôm trước, nhóm làm phim “Vụ thảm sát số 6” thừa nhận kịch bản phim đúng là đã gợi đến nỗi đau gia đình nạn nhân, đặc biệt về việc sử dụng tên thật của nhân vật là điều tối kị. Họ đổ lỗi vì “Đây là bộ phim đầu tay của Trịnh Phong”.
Đừng tin họ. Hãy nhìn về vụ thảm sát Bình Phước bằng cách quên nó đi. Hãy làm điều tốt cho những người còn sống bằng cách dừng tay kích chuột vào “Vụ thảm sát số 6”.