Doanh nghiệp
Phó chủ tịch CME Solar Bùi Trung Kiên: “Lợi ích kép” khi doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái
Hồ Hạ - 17/05/2023 15:37
Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho biết, cùng với bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thải khí CO2, việc chuyển sang sử dụng điện mặt trời áp mái còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng, bảo trì mái đáng kể…
Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho biết, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Thời gian gần đây, năng lượng điện mặt trời áp mái đã trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Với sự phát triển của công nghệ, giá thành sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm đáng kể. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 15/5, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar nhấn mạnh rất tâm đắc với chữ “cộng hưởng” trong chủ đề của Hội thảo. “Cộng hưởng ở đây có nghĩa là 1 cộng 1 phải lớn 2, có thể là 3 hay 4 hoặc hơn thế. “Trong bối cảnh hiện nay, sự cộng hưởng này ngày càng trở nên quan trọng hơn”, ông nhấn mạnh. 

Theo Phó chủ tịch CME Solar, là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, CME Solar đã thực hiện đầu tư các dự án điện mặt ở Việt Nam và đang tập trung vào lĩnh vực điện mặt trời áp mái. “CME Solar nhìn nhận thị trường điện và năng lượng ở Việt Nam với quy mô tăng trưởng dự kiến từ nay đến năm 2030 trung bình khoảng 9%/năm. Tổng quy mô công suất điện sẽ hơn gấp đôi bây giờ với khoảng trên 150 MW. Đây là thị trường tăng trưởng rất mạnh về nhu cầu năng lượng để đáp ứng mức tăng trưởng kinh tế trung bình 6,5%”, ông Bùi Trung Kiên chia sẻ. 

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar là một trong những diễn giả inh danh của Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức.

Đặt trong bối cảnh với những điểm mạnh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam như môi trường kinh tế ổn định, lực lượng dân số trẻ, quy mô khá lớn ở khu vực. Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế vĩ mô về lạm phát, tỷ giá đều được giữ ổn định. Lãnh đạo CME Solar cho rằng, môi trường đầu tư như vậy rất hấp dẫn và thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng tái tạo. Những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 cho thấy mục tiêu chuyển đổi về chính sách, chuyển đổi về năng lượng rất rõ nét và đáp ứng được cả 3 tiêu chí. 

Tiêu chí thứ nhất là đảm bảo an ninh năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu về kinh tế - xã hội để đảm bảo tăng trưởng về kinh tế. Thứ hai là nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư, cũng là chất lượng của việc phát triển bền vững. Mà nói đến phát triển bền vững thì yếu tố xanh chính là yếu tố đảm bảo bền vững, tránh khủng hoảng ô nhiễm môi trường và những vấn đề khác. Đây là điểm rất mạnh trong xu hướng của tương lai. 

“Thứ ba là vấn đề giá điện và năng lượng, khi kết hợp mang tính chất cộng hưởng, chúng ta có thể giải bài toán chi phí năng lượng ở mức hợp lý hơn”, lãnh đạo CME Solar nói. 

Ông Bùi Trung Kiên, đại diện CME Solar nhận hoa và nhận hoa và kỷ niệm chương của Ban tổ chức Hội thảo.

Với kinh nghiệm CME Solar đang triển khai, các doanh nghiệp sẽ được hưởng chi phí năng lượng rẻ hơn nếu biết cách khai thác những thế mạnh Việt Nam đang có. “Mô hình của CME Solar tập trung vào năng lượng áp mái, chúng tôi bỏ ra toàn bộ chi phí đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thực hiện vận hành và bán cho doanh nghiệp với chi phí rẻ hơn, với giá chiết khấu cao”, ông Bùi Trung Kiên bật mí. 

Theo ông, với cách khai thác tiềm năng bức xạ ở Việt Nam khá cao, hệ thống điện mái, áp mái vốn là diện tích đang bỏ trống, doanh nghiệp sẽ được sử dụng năng lượng với mức chi phí tiết kiệm tới hàng chục phần trăm so với chi phí năng lượng thông thường. 

“Chúng tôi đã phát triển được hàng trăm dự án tại Việt Nam, bởi điện năng lượng mặt trời áp mái không lo bài toán giải phóng mặt bằng hay áp lực lên hệ thống truyền tải điện. Đây là những yếu tố giúp tối ưu hóa chi phí rất tốt trong thời điểm các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực mở rộng thị trường, chi phí đầu vào ngày càng gia tăng như hiện nay”, Phó chủ tịch CME Solar cho biết. 

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Trung Kiên, các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI  tổ chức triển khai áp dụng điệp mặt trời áp mái rất nhanh nhạy. Hiện CME Solar đã kích hoạt lắp các dự án điện mặt trời áp mái cho nhiều doanh nghiệp phía Nam và gần đây các doanh nghiệp miền Bắc cũng rất quan tâm.

“Khi nói về những bước chuyển đổi năng lượng xanh, nghe có vẻ xa xôi, nhưng thực tế đang diễn ra rất nhanh. Chẳng hạn 1 đối tác là công ty may của chúng tôi tại Nam Định cho biết, nhờ sử dụng điện mặt trời áp mái nên doanh nghiệp này đã thiết lập được mối quan hệ và ký kết được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bởi, một trong những yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ là nhà cung cấp phải sử dụng năng lượng sạch, nhưng trên địa bàn tỉnh Nam Định, chưa nhiều doanh nghiệp may làm được điều này”, ông Bùi Trung Kiên dẫn chứng. 

Chia sẻ về những “lợi ích kép” khi doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái, lãnh đạo CME Solar cho biết, cùng với bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thải khí CO2, doanh nghiệp còn đạt được nhiều lợi ích về mặt kinh tế như chi phí điện năng cho sản xuất giảm hơn và chi phí bảo trì mái cũng giảm đáng kể…

Do đó, muốn thu hút đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu hàng hóa sang những thị trường khó tính, vấn đề sử dụng năng lượng sạch là yêu cầu thực tiễn, gần như bắt buộc. Điều này đặt ra với các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài phải quan tâm. 

Cũng theo ông Bùi Trung Kiên, trước đây miền Nam là thị trường chính của CME Solar nhưng doanh nghiệp này đang mở rộng ra miền Bắc với tốc độ khá nhanh, dù độ bức xạ ở miền Bắc thấp hơn. “Tuy nhiên, CME Solar có lợi thế để điều đó không ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án điện áp mái. Về giá và công nghệ điện áp mái chúng ta đã nắm bắt được và có thể cạnh tranh tốt hơn rất nhiều so với 20 năm trước”, ông Bùi Trung Kiên khẳng định. 

Phó chủ tịch CME Solar cho rằng, với tiềm năng, lợi thế to lớn hiện nay, nếu Việt Nam có những chính sách, chiến lược, định hướng rõ ràng, liên tục, lâu dài, thì các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp FDI sẵn sàng đầu tư, đồng hành để tạo ra những yếu tố cộng hưởng, giúp đất nước hình chữ S đạt được những mục tiêu về kinh tế và an ninh năng lượng. 

Để đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, ông Bùi Trung Kiên cho rằng, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có. 

“Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư”, Phó chủ tịch CME Solar nhấn mạnh.

Do đó, để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác hàng đầu trong nước để có thể dễ tiếp cận thị trường, và CMES là một lựa chọn đáng được lưu ý. 

Tin liên quan
Tin khác