Thời sự
Phó chủ tịch TP.HCM: Tạm dừng mỗi loại hình dịch vụ là quyết định rất khó khăn
Thị Hồng - 09/07/2021 11:42
Chính quyền TP.HCM thấu hiểu sự xáo trộn nhất thời trong cuộc sống người dân khi áp dụng Chỉ thị 16 và mong muốn mỗi người dân đồng cảm, chung tay cùng Thành phố để sớm kiểm soát dịch bệnh.

UBND TP.HCM vừa tổ chức buổi họp báo triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn. 

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, căn cứ tình hình thực tế, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội áp dụng Chỉ thị 16 để tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch nhằm sớm khống chế được dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Để triển khai chỉ đạo này, UBND Thành phố đã ban hành Công văn khẩn số 2279 ngày 8/7/2021 quy định một số nội dung cụ thể.

Về giao thông vận tải, hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu vẫn được phép hoạt động và đảm bảo lưu thông để cung ứng kịp thời cho người dân. 

Thành phố vẫn cho phép các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa cung cấp hàng thiết yếu hoạt dộng trong điều kiện đảm bảo an toàn với dịch bệnh. 

Lượng hàng hóa dự trữ và cung ứng của Thành phố đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu của tất cả người dân địa bàn.

Vì vậy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM một lần nữa kêu gọi người dân không nên và không cần thiết tích trữ lương thực thực phẩm quá nhiều, tránh tập trung đông người tại siêu thị gây mất an toàn phòng chống dịch bệnh. 

Việc áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nghĩa là làm cho các hoạt động trên địa bàn TP.HCM chậm lại để cơ quan chức năng tăng cường, tập trung kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn (Ảnh minh hoạ: N.T).

Hoạt động y tế và đảm bảo an ninh trật tự phải hoạt động ở mức cao nhất. Lực lượng y tế và vũ trang làm việc 100% công suất. 

Sở Giao thông - Vận tải được giao nội dung liên quan đến ngừng hoạt động vận chuyển hành khách. 

Về việc tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong Chỉ thị 10 đã cấm việc ăn uống tại chỗ và thực hiện Chỉ thị 16 sẽ cấm thêm mang về.

Theo đó, chủ thể là người bán hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về, nhưng các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng môtô không chở người vẫn được duy trì.

Về hoạt động phát cơm từ thiện, hỗ trợ cho người dân khó khăn trong thời điểm Thành phố áp dụng Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức chia sẻ, về nguyên tắc và chủ trương Thành phố không cấm và luôn tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động này. 

Tuy nhiên, các cá nhân tổ chức khi thực hiện việc này phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách, số lượng người tại nơi công cộng,…

Ông Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh việc Chính quyền Thành phố yêu cầu phát huy vai trò, trách nhệm người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện và Thành phố Thủ Đức. 

Địa phương, đơn vị nào để xảy ra lây lan dịch bệnh nếu vì yếu tố chủ quan, vô trách nhiệm, lơ là trong công tác phòng chống dịch thì kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, người dân bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức khi vi phạm về phòng chống dịch bệnh của Thành phố đều bị xử phạt theo quy định.

Ảnh chụp màn hình thông báo tạm ngưng dịch vụ của ứng dụng BAEMIN.

Việc áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nghĩa là làm cho các hoạt động trên địa bàn TP.HCM chậm lại để cơ quan chức năng tăng cường, tập trung kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. 

Ông Dương Anh Đức cho rằng, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cùng với đó, mỗi loại hình dịch vụ phải tạm dừng là sự đắn đo và quyết định rất khó khăn của Thành phố. 

Tuy nhiên, đây là giai đoạn cao điểm quyết định việc khống chế dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn “mỗi người dân hãy hy sinh một chút lợi ích, thói quen cá nhân”, đồng cảm, chia sẻ và chung tay với Thành phố để sớm chiến thắng dịch bệnh. 

80 địa điểm đạt điều kiện xét nghiệm Covid-19 cho người dân muốn ra ngoài Thành phố

Sở Y tế TP.HCM vừa công bố danh sách 80 bệnh viện, trung tâm y tế đủ điều kiện xét nghiệm cho người dân khi có nhu cầu ra khỏi thành phố. 

Người dân TP.HCM có có thể truy cập website của Sở Y tế TP.HCM để biết chính xác danh sách này.

Ngày 6/7/2021, Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản 4244/SYT-NVY về hướng dẫn xét nghiệm cho người dân có nhu cầu ra khỏi TP.HCM. Theo đó, khi người dân có nhu cầu thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 có thể liên hệ tại các bệnh viện, trung tâm y tế đủ điều kiện thực hiện để được xét nghiệm nhanh kháng nguyên và các bệnh viện được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm RT-PCR khẳng định SARS-CoV-2. 

Về giá xét nghiệm, nếu xét nghiệm nhanh kháng nguyên thì áp dụng giá dịch vụ số 1736 được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 và Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế.
 
Nếu xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR, người dân phải chi trả bằng mức giá thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định tại công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19. 

Đồng thời, Sở Y tế Thành phố yêu cầu các bệnh viện và các trung tâm y tế khi tổ chức xét nghiệm cho người dân phải đảm bảo tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, nhất là giữ khoảng cách 2 mét khi sắp hành chờ đến lượt làm xét nghiệm.

Cùng với đó, các đơn vị phải chủ động thông báo ngưng tiếp nhận ngay từ cổng và thông báo cho người dân đến các điểm xét nghiệm khác khi ước tính đã đủ số lượng, không để tình trạng ùn ứ người chờ làm xét nghiệm.

Tin liên quan
Tin khác