Khách sạn Solaria Hotel Hanoi (số 22 - Bảo Khánh) đang chịu lỗ, giảm giá 50% tất cả các dịch vụ để cầm cự. |
Khách sạn giảm giá 50% vẫn ế
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người ta thường thấy nườm nượp khách Tây đi bộ, vui chơi tại các khu phố cổ của Hà Nội, bởi nơi đây tập trung các di tích lịch sử, khu ẩm thực, những quán bar, cà phê và dịch vụ dành cho khách nước ngoài.
Thế nhưng, từ khi Covid-19 ập đến, các đơn vị kinh doanh khách sạn, lữ hành, nhà hàng, vận chuyển, đồ lưu niệm… gần như tê liệt. Covid-19 đánh bồi khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, phá sản, bởi lẽ, du lịch Hà Nội lâu nay mang tính chất đặc thù, chủ yếu đón khách nước ngoài với loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa.
Một ông chủ của 8 khách sạn tại khu phố cổ cho biết, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã thiệt hại hàng tỷ đồng. Thời điểm trước đại dịch Covid-19, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn luôn đạt mức 70 - 80%. Vào giai đoạn cao điểm du lịch, công suất có thể đạt hơn 90%. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn này giảm từng ngày. Ông đã phải “nuốt nước mắt” đóng cửa 6 cơ sở, khoảng 150 nhân viên đã phải nghỉ việc. Hai khách sạn còn lại vẫn tiếp tục chịu lỗ chờ ngày đón được khách Tây.
“Hơn 10 năm trong nghề, tôi chưa từng nghĩ đến ngày phố cổ lại vắng bóng khách Tây như vậy. Hiện 2 khách sạn của tôi giảm giá tất cả các dịch vụ đến 50%, nhưng mỗi ngày không có nổi 10 khách. Khách nước ngoài chiếm đến 90% lượng khách đặt phòng, nếu thị trường này không sớm phục hồi, tôi phải tính chuyển nghề vì dù không có nguồn thu, doanh nghiệp vẫn phải trả khoản chi phí rất lớn cho tiền thuê nhà, lương nhân viên, tiền bảo trì, bảo dưỡng khách sạn, tiền điện, nước, tiền bảo hiểm...”.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Lượng, CEO Công ty du lịch Penny Travel trên phố Mã Mây chia sẻ, trước dịch, ông và 10 nhân viên trong công ty làm không hết việc, thậm chí còn phải thuê nhiều nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Nhưng nay ông phải làm thêm mảng môi giới bất động sản để có thể trả được tiền thuê văn phòng (có vỏn vẹn 12 m2). Vợ ông phải bán hàng mỹ phẩm online để trang trải cuộc sống.
Hàng loạt khách sạn lớn, nhỏ rao bán
Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở phố cổ phá sản theo hiệu ứng domino. Hàng loạt khách sạn, lữ hành phải gỡ biển, xóa luôn tên thương hiệu, chuyển đổi kinh doanh dịch vụ khác. Hàng ngàn người lao động ngành du lịch, dịch vụ tại phố cổ Hà Nội đang tạm chuyển sang nghề khác, chờ ngày bão Covid-19 tan.
Theo khảo sát của Công ty Savills Việt Nam, thời gian qua, hơn 50% khách thuê cửa hàng kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội đã trả lại mặt bằng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Không chỉ các diện tích nhỏ lẻ bị trả lại, mà nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa, diện tích rộng cả trăm mét vuông trên các phố Hàng Tre, Đông Kinh Nghĩa Thục, Phan Chu Trinh, Mã Mây, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Ngang, Hàng Đào… đã rao cho thuê nhiều ngày nay, nhưng chưa thấy kinh doanh lại.
Hệ thống khách sạn mini ở khu phố cổ điêu đứng đã đành, nhiều khách sạn thuộc hàng “ông lớn” ở Hà Nội cũng đang phải rao bán. Đơn cử, khách sạn 5 sao Atlanta (số 49 - Hàng Chuối) quy mô 16 tầng trên diện tích 560 m2, rao bán giá 480 tỷ đồng. Khách sạn 5 sao Grand Vista Hanoi tại phố Giảng Võ, quy mô 23 tầng, 170 phòng, diện tích 1.500 m2, rao bán với giá 1.000 tỷ đồng.
Rao bán khách sạn được xem là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn, song nhiều chủ khách sạn cũng thừa nhận việc này rất khó khăn, bởi lẽ, hiếm nhà đầu tư nào dám mạo hiểm.
Các chuyên gia dự báo, bức tranh thị trường bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng tại Hà Nội sẽ còn nhiều gam màu xám trong thời gian tới. Thậm chí, quý I/2021, thị trường vẫn khó phục hồi vì du lịch phụ thuộc rất lớn vào khách nước ngoài.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Xuân Vinh, CEO Solaria Hotel Hanoi (số 22 - Bảo Khánh), một trong những khách sạn ở khu phố cổ đang cố gắng cầm cự cho rằng, nhu cầu đi du lịch của du khách nhiều nước trên thế giới đang rất bức xúc sau thời gian dài bị kìm nén, chỉ cần có vắc-xin và mở cửa đường bay quốc tế là họ sẽ xách va li lên đường. Đây là nhu cầu cơ bản của người dân ở các quốc gia văn minh, có mức thu nhập cao. Mặt khác, du lịch nội địa tại các quốc gia như Mỹ, Australia, Đức, Pháp… được cho là không an toàn bằng du lịch quốc tế tới các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt như Việt Nam.
“Vì thế, chúng tôi đang cố gắng cầm cự, ngóng ngày đón được khách nước ngoài. Lúc này, doanh nghiệp hãy tự quảng bá sản phẩm, dịch vụ chất lượng, sự an toàn của chính mình. Ngành du lịch phải đẩy mạnh quảng bá ra thế giới để du khách thấy hình ảnh một Việt Nam an toàn. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành, lĩnh vực liên quan cần tìm giải pháp để vừa đảm bảo an toàn, vừa giảm phiền hà cho du khách nước ngoài về thủ tục nhằm tăng sức hấp dẫn để bứt phá hậu Covid-19”, ông Lê Xuân Vinh nói.