Ngân hàng - Bảo hiểm
Phó Thống đốc giải trình về những văn bản "hiệu lực tức thời" gây khó ngân hàng
T.L - 01/12/2015 13:52
Có những văn bản của NHNN từ khi ban hành cho tới khi có hiệu lực chỉ vỏn vẹn vài ba ngày, khiến các ngân hàng trở tay không kịp. Trước than phiền của các ngân hàng nước ngoài về việc ban hành các văn bản có hiệu lực tức thời, Phó Thống đốc NHNN đã lên tiếng giải thích và đề nghị các ngân hàng "cố gắng".

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng nay (1/12), ông Nikrukt Sapru, Trưởng nhóm Công tác ngân hàng đánh giá cao những chính sách tiền tệ mà NHNN thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên, vị đại diện của nhóm ngân hàng nước ngoài cũng cho rằng, nhiều chính sách cũng đang gây khó khăn, lúng túng cho các ngân hàng khi triển khai.

Nêu ra một số ý chính trong 9 trang dày đặc kiến nghị gửi tới NHNN, ông Nikrukt đề nghị NHNN xây dựng khung pháp lý cho hoạt động quản lý dòng tiền để các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Đồng thời, sớm, thiết lập các chính sách cụ thể và kịp thời cho các giải pháp quản lý không dùng tiền mặt, cụ thể là các sản phẩm và giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Ngoài ra, đại diện Nhóm công tác ngân hàng cũng nhận xét, một số văn bản pháp luật được ban hành thời gian qua có hiệu lực ngay lập tức khiến các ngân hàng khó khăn trong việc tuân thủ, ví dụ như Thông tư 15/2015/TT-NHNN ban hành vào ngày 2/10/2015 nhưng có hiệu lực vào ngày 5/10/2015, tức là chỉ có ba ngày để các ngân hàng chuẩn bị áp dụng.

"Khi có chính sách mới, chúng tôi cần thời gian để sửa đổi quy trình, đào tạo nhân viên, thông báo với khách hàng... Các bước này cần thời gian hợp lý để triển khai. Chúng tôi đề nghị NHNN cần thông báo sớm về các văn bản ban hành trước khi có hiệu lực 30-45 ngày".

 Một số kiến nghị khác được nhóm công tác ngân hàng kiến nghị với NHNN là: vấn đề bảo lãnh ngân hàng, bổ sung các sản phẩm ngân hàng mới (ngân hàng đại lý, sản phẩm quản lý dòng tiền, chiết khấu và bao thanh toán không truy đòi...), đơn giản hóa yêu cầu về tài liệu mở tài khoản và tài liệu vào thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, thư tín dụng trả chậm có điều khoản thanh toán ngay, sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toán trong hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo...

Trước đề xuất của các ngân hàng nước ngoài, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, về nguyên tắc, NHNN ủng hộ quan điểm phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ra mắt nhiều sản phẩm mới để phục vụ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xuất hiện các sản phẩm mới cũng đòi hỏi khuôn khổ quản lý phù hợp để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra. 

"NHNN đang phối hợp với các bên liên quan để nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp lý về vấn đề này", Phó Thống đốc nói.

Liên quan đến phàn nàn của các ngân hàng về hiệu lực thi hành một số văn bản quá nhanh, Phó Thống đốc giải thích thêm: Trong thực tế, một số văn bản được ban hành trong bối cảnh tình hình cấp bách, đòi hỏi phải có hiệu lực ngay để điều chỉnh, ổn định thị trường. ĐIều này cũng đòi hỏi các bên phải cố gắng thực hiện để đạt mục tiêu chung. 

Về một số vấn đề khác, Phó Thống đốc cho hay, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Nhóm công tác ngân hàng để xử lý.

Phát biểu tại VBF sáng nay, đại diện nhóm công tác Ngân hàng cho rằng, hiện các ngân hàng nước ngoài đang gặp khó khăn về bảo lãnh. Cụ thể, theo Thông tư 07/2015/TT-NHNN về bảo lãnh ngân hàng, khi tính toán hạn mức tín dụng đơn trong hoạt động ngân hàng, các quy định hiện hành chỉ cho phép loại trừ số dư bảo lãnh trong trường hợp phát hành bảo lãnh căn cứ trên bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng trong nước hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.  BWG cho rằng, quy định trên không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng theo nhóm công tác ngân hàng, việc không cho phép trừ số dư bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng một khách hàng sẽ làm hạn chế khả năng của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong việc cấp các khoản bảo lãnh giá trị lớn cho các Dự án FDI tại Việt Nam. Khi đó, các CNNHNN tại Việt Nam sẽ chỉ có thể sử dụng ngân hàng trong nước làm bên phát hành bảo lãnh đối ứng, trong khi những đơn vị này thường có năng lực hạn chế cả về vốn lẫn mức tín nhiệm so với các ngân hàng nước ngoài.

Chính vì vậy, Nhóm công tác ngân hàng đề nghị NHNN cho phép loại trừ các khoản bảo lãnh phát hành trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng đơn để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trước ý kiến lo ngại NHNN sẽ không kiểm soát được các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, BWG đề xuất, NHNN có thể yêu cầu các tổ chức nộp báo cáo thường niên của những đơn vị tại nước ngoài trên cũng như xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế uy tín để NHNN xem xét.

Về Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Nhóm công tác ngân hàng cho rằng, Thông tư quy định giới hạn tỷ lệ trái phiếu Chính phủ mà các ngân hàng nắm giữ là không phù hợp với Hiệp ước Basell II và III. Đại diện Nhóm công tác cũng kiến nghị, NHNN cần sửa đổi định nghĩa về người có liên quan trong kiểm soát giới hạn tín dụng, bởi quy định hiện hành rất khó xác định và xác minh thông tin.

Tin liên quan
Tin khác