Phó thủ tướng Trần Lưu Quang. |
Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn kéo dài đến hết sáng 8/11.
Báo cáo trước khi các vị đại biểu chất vấn trực tiếp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội 19 báo cáo đầy đủ (dài 1.337 trang) về kết quả thực hiện 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4.
Tóm tắt một số nội dung chủ yếu, về các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng ( nhóm lĩnh vực chất vấn đầu tiên) ông Quang nêu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh (trong đó, đã ban hành 16/39 quy hoạch ngành quốc gia, 17/63 quy hoạch tỉnh; hết tháng 9 có 90/110 quy hoạch được thẩm định xong, đang hoàn thiện quy trình để trình phê duyệt, đạt 81,8%).
Phấn đấu hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong năm 2023, Phó thủ tướng nêu quyết tâm của Chính phủ.
Kết quả tiếp theo được lãnh đạo Chính phủ đề cập là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được tích cực triển khai, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; thu hút vốn FDI, ODA và vốn vay ưu đãi đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đã thành lập 5 Tổ công tác và 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các địa phương, ông Quang cho hay.
Chính phủ cũng đánh giá, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Thực hành tiết, chống lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá phù hợp, sát thực tiễn, góp phần kiểm soát lạm phát. Thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Kết quả tiếp theo được Phó thủ tướng đề cập là chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2023, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai theo lộ trình, kế hoạch đặt ra; an toàn hệ thống được bảo đảm; khoanh nợ, cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn nợ cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nêu rõ, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Cụ thể là tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các DNNN còn chậm. Tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ...
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, Phó thủ tướng báo cáo Quốc hội.