Đầu tư Phát triển bền vững
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Thanh Sơn - 10/04/2024 18:33
Đây là nhận định của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi tham dự và chủ trì Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2024 (lần thứ 4) diễn ra tại Thành phố Hải Phòng chiều nay (10/4).

Diễn đàn do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) và UBND TP. Hải Phòng phối hợp tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đại diện các Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh trước khi Diễn đàn diễn ra

Diễn đàn Vietnam Connect 2024 có chủ đề “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp”.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao chủ đề “Hướng tới kinh tế xanh và bền vững” của diễn đàn năm nay. Đây không chỉ là chủ đề của một hội nghị mà chính là cam kết, là quyết tâm của tất cả chúng ta, dù đại diện cho quốc gia phát triển hay đang phát triển, dù là chính phủ, địa phương hay doanh nghiệp để cùng chung tay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam không chỉ phải nằm trong vòng xoáy phát triển xanh và bền vững, mà cần quyết tâm nắm bắt cơ hội từ vòng xoáy đó để tạo đột phá trong phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững cho hiện tại và trong tương lai. Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu chào mừng Diễn đàn

“Với vị thế là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là đầu tàu kinh tế của Khu vực phía Bắc, Thành phố Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của đất nước, đưa thành phố Hải Phòng trở thành một ‘thành phố xanh’ dựa trên cơ sở một nền ‘kinh tế xanh, bền vững’. Đồng thời, triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh của thành phố trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu của một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã tham gia từ sớm các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Tại các Nghị quyết của Đảng, Việt Nam cũng đã xác định lựa chọn phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP26, Việt Nam đã ký cam kết Net-Zero vào năm 2050, một mục tiêu hết sức thách thức cả với nhiều nước phát triển. Triển khai các mục tiêu này, Việt Nam đã có các chiến lược về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn

Nhấn mạnh đến tinh thần kết nối của Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho rằng chủ đề kết nối không chỉ dừng lại ở kết nối Việt Nam, kinh tế xanh và phát triển bền vững, mà còn kết nối giữa Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Rộng hơn là kết nối quốc tế với Việt Nam.

“Thế giới đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi, mà trong đó kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Điều cần bàn tiếp theo là triển khai kinh tế xanh thế nào, tiêu chí, lộ trình ra sao, chính quyền và doanh nghiệp phối hợp như thế nào. Cùng nhau, tư nhân kết nối với Chính phủ, với đối tác quốc tế, các địa phương, tổ chức tài chính..., chúng ta sẽ tìm ra giải pháp, vấn đề là ngồi lại với nhau để tìm ra cơ chế hợp tác hữu hiệu”, Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong chặng đường phát triển kinh tế xanh, Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe các tiếng nói của doanh nghiệp để từ đó có các giải pháp, chính sách hỗ trợ cần thiết ở phạm vi trong nước cũng như thể hiện tiếng nói trên toàn cầu.

Phiên toàn thể Diễn đàn đã tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế net zero, đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.

Các khách mời tham gia phiên thảo luận

Tại diễn đàn, các khách mời tham gia phiên thảo luận đã cùng trao đổi, phản hồi và thảo luận về các nhóm vấn đề chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh, cụ thể như: các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam về vấn đề chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, hướng tới net zero và phát triển bền vững; đánh giá khả năng huy động và tiếp cận các nguồn lực tài chính xanh, tài chính khí hậu, net zero; đánh giá năng lực, nội lực của các địa phương, doanh nghiệp trong việc thực thi chuyển đổi xanh. Đề xuất, khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi hơn nữa, tốc độ chuyển động chính sách nhanh hơn nữa nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về quy mô thị trường toàn cầu hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh. Trên bình diện quốc gia, chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và bền vững.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và các đơn vị thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường với Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và các đơn vị thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường với Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhằm phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực và hành động hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam.

Tiếp đó chương trình là Lễ công bố và vinh doanh các Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) lần thứ 23.

Chương trình Golden Dragon Awards tập trung khảo sát và bình xét các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, đảm bảo phát thải carbon thấp trong quy trình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, quan tâm, trú trọng và có kế hoạch thực thi ESG. Các Doanh nghiệp tiên phong công bố lộ trình hướng tới Net-Zero của doanh nghiệp, góp phần vào mục tiêu thực hiện thành công cam kết Net-Zero của Việt Nam vào năm 2050.

Lễ công bố và vinh doanh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) lần thứ 23

Ban tổ chức đã công bố và vinh danh Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 6 nhóm ngành, bao gồm Công nghiệp chế biến, chế tạo; Công nghệ số & dịch vụ số; Dịch vụ tài chính và bảo hiểm; Phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; Giáo dục và chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống. TOP 10 thương hiệu xuất sắc được vinh danh Golden Dragon Awards 2024 tiêu biểu là Samsung, LG Display, Intel, Qualcomm, Heineken, HSBC, Lego, SCG, UOB, Coca-Cola.

Trước đó, trong sáng nay (10/4), ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc, gặp mặt các Đại sứ quán, Hiệp hội Doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Tại buổi gặp gỡ, đại diện các Đại sứ quán, Hiệp hội Doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư nước ngoài, đánh giá cao tiềm năng phát triển, đồng thời bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ chế, chính sách và các ưu đãi của thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. So với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được. Để chuyển đổi xanh, phải nhất quán quan điểm đây là sự nghiệp chung của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức và phải thúc đẩy, tập trung 3 trụ cột là thể chế, khoa học công nghệ, nguồn lực, nhất là tài chính.
Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Phát triển xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Bằng cách hướng tới một nền kinh tế xanh, chúng ta không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Chỉ thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho các thế hệ mai sau.
Ông Bruno Jaspeart, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C
Mục tiêu đến năm 2030 của DEEP C là giảm phụ thuộc vào điện lưới của EVN bằng cách đa dạng hóa các nguồn cấp điện, tập trung vào Năng lượng tái tạo; hướng tới đạt 30% năng lượng tái tạo; kết hợp điện mặt trời với hệ thống lưu trữ điện và kết nối trực tiếp đến các dự án điện mặt trời tập trung hoặc điện gió ngoài khơi. Hiện, các dự án năng lượng tái tạo của DEEP C đã lắp đặt là Dự án Năng lượng mặt trời số 1 (DCRED) với sản lượng điện hàng năm khoảng 2.300 MWh, cắt giảm 1.556 tấn phát thải CO2 mỗi năm; Dự án Năng lượng mặt trời số 2 (Jupiter GĐ 1) với sản lượng điện hàng năm khoảng 1.100 MWh, cắt giảm khoảng 744 tấn phát thải CO2 mỗi năm; Dự án Điện gió của DEEP C & UNISON với sản lượng điện hàng năm khoảng 2.500 MWh, cắt giảm khoảng 1.691 tấn phát thải CO2 mỗi năm.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ
Phát triển xanh và bền vững luôn là mục tiêu ban đầu khi thực hiện dự án của Tập đoàn Sao Đỏ. Hiện nay, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái đang được chúng tôi phối hợp làm việc tích cực với đơn vị tư vấn UNIDO tiến hành từng bước 1 theo đúng qui trình. Mặt khác, nhằm đóng góp chung vào mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” theo COP26 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết, đồng thời đưa KCN Nam Đình Vũ thành nơi các nhà đầu tư có thể nhận được nhiều lợi thế cạnh tranh khi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất, Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc và đi đến ký kết hợp tác chiến lược với các Tập đoàn năng lượng Châu Âu, triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại KCN Nam Đình Vũ, tiến tới sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Tin liên quan
Tin khác