Theo UBND Thành phố Hải Phòng tại phiên họp thường kỳ mới đây, quý I/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,32%, gấp 1,65 lần mức bình quân chung cả nước; đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 7 cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,38%, gấp 2,22 lần so với trung bình cả nước (5,67%), đứng thứ 12 cả nước, đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Toàn cảnh Phiên họp thường kỳ. |
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 32.864 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa đạt 18.943 tỷ đồng, tăng 132,94% so với cùng kỳ, bằng 50,41% dự toán Trung ương giao và bằng 42,10% dự toán HĐND Thành phố giao. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,74 tỷ USD, tăng 18,45%; sản lượng hàng hóa qua cảng ước hơn 35,7 triệu tấn, tăng 7,96%. Số lượng khách du lịch hơn 1,601 triệu lượt, tăng 10,92%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 38.159 tỷ đồng, tăng 8,13%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 253,35 triệu USD.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố tính đến hết ngày 20/3/2024, vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân đạt 2.238,843 tỷ đồng, bằng 13,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019,198 tỷ đồng), bằng 11,17% kế hoạch thành phố giao (19.972,741 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương đã giải ngân là 103,064 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,64%; vốn cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân là 2.127,651 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,1% kế hoạch thành phố giao. Cùng kỳ năm 2023, vốn đầu tư công thành phố giải ngân được 3.664,152 tỷ đồng, bằng 16,54% kế hoạch thành phố giao (22.156,828 tỷ đồng), bằng 27,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (13.403,337 tỷ đồng).
Cũng trong quý I, Thành phố đã tập trung thực hiện Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông; văn hóa, xã hội có nhiều hoạt động nổi bật.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm, phải giãn tiến độ do vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, tổng mức đầu tư. Tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng, phức tạp; xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động của người dân.
Tại phiên họp thường kỳ, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế -xã hội đạt được trong tháng 3 và quý I/2024, nhất là thu ngân sách, giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có giải ngân xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...
Các sở, ngành tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, luồng Văn Úc; nghiên cứu khả thi, chuẩn bị cho dự án cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2; thành lập Khu kinh tế phía Nam; dự án chủ trương đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển qua địa bàn Hải Phòng... Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng cho sự phát triển bứt phá của thành phố.
Hiện nay, toàn thành phố có 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện từ năm 2023, Thành phố đã phê duyệt tổng số 789 công trình trên địa bàn 35 xã thực hiện trong năm 2023-2024; đến nay, 100% các dự án đã triển khai, 753/789 công trình đang thi công; khối lượng trung bình ước đạt 34%. Đối với 13 xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện từ năm 2024, đã phê duyệt tổng số 270 công trình trên địa bàn 13 xã tại huyện Thủy Nguyên và huyện An Dương, đang triển khai lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Một góc đô thị huyện An Dương, TP. Hải Phòng. |
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, những tháng tiếp theo, thành phố tập trung cao cho các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó ưu tiên thực hiện nhiệm vụ để huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương đạt tiêu chí thành lập quận; thực hiện hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo đúng kế hoạch.
Huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. |
Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận thu nội địa có dấu hiệu khả quan, song một số khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước, từ thanh lý nhà của Nhà nước chưa đạt kết hoạch; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu còn thấp... Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu như tổng vốn đầu tư xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch thấp hơn so với kế hoạch, cần quan tâm, tập trung trong những tháng tiếp theo.
Trong thời gian tới, Thành phố tập trung cao cho các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó ưu tiên thực hiện nhiệm vụ để huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương đạt tiêu chí thành lập quận; thực hiện hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh ưu tiên thực hiện nhiệm vụ để huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương đạt tiêu chí thành lập quận. |
Về thu ngân sách, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, thu nội địa có dấu hiệu khả quan, ngoài nguồn thu từ đất, các khoản thu sắc thuế cũng tăng cao so với cùng kỳ. Song, một số khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước, từ thanh lý nhà của Nhà nước chưa đạt kết hoạch; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu còn thấp... Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu như tổng vốn đầu tư xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch thấp hơn so với kế hoạch, cần quan tâm, tập trung trong những tháng tiếp theo.
Nhà máy nước sạch Tân Thanh tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. |
Về giải ngân vốn đầu tư công cũng thấp hơn so với cùng kỳ, nên các Ban quản lý dự án của thành phố, các quận, huyện phải tập trung cao đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án. Bên cạnh đó, Thành phố cương quyết xử lý, thay thế nhà máy nước mini tại các huyện không đáp ứng năng lực, không bảo đảm chất lượng. Đây là vấn đề khó, các huyện cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay, đóng góp kinh phí khi thực hiện thay thế nhà máy nước mini.