Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Quỳnh Nga. |
Báo cáo tóm tắt về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn TP. Hải Phòng 9 tháng đầu năm 2023, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm và hàng nhập lậu tuy không công khai như trước, nhưng hoạt động của tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và buôn bán hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi phức tạp.
Tại khu vực biên giới, cửa khẩu cảng đã phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; mua bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng chủ yếu là khoáng sản (than), xăng, dầu; vận chuyển, mua bán và tàng trữ các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ; khai thác trái phép khoáng sản (cát)…
Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng báo cáo với Phó thủ tướng về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Quỳnh Nga. |
“Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn như: khai báo sai vận đơn hàng hóa trong container vận chuyển nội địa; xuất trình hóa đơn không đúng với hàng hóa vận chuyển thực tế; lợi dụng sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để vận chuyển trái phép hàng hóa; lợi dụng việc được cấp phép khai thác cát hợp pháp để tiến hành khai thác cát trái phép hoặc khai thác không đúng vị trí được cấp phép...”, ông Quân nhấn mạnh.
Trong thị trường nội địa, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài sau đó đưa vào tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau cả chính ngạch và tiểu ngạch với phương thức thủ đoạn tinh vi có tổ chức, từ các kênh sản xuất đến phân phối tiêu thụ, gây nhiều khó khăn, cản trở cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Mặt hàng vi phạm đa dạng về chủng loại, từ hàng thấp cấp đến hàng cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến vật tư nguyên liệu sản xuất.
Hành vi gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cũng khá phổ biến với nhiều loại hình như: kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; gian lận trong cân đong hàng hóa; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng hóa quá hạn sử dụng nhưng sửa hạn sử dụng, chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất thủ công, sản xuất, đóng gói tại các vùng nông thôn, giáp danh giữa các vùng nhằm gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng đã xử lý tổng số 4.101 vụ với số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 320 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng cục Hải quan Hải Phòng báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Quỳnh Nga |
Bổ sung ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục hải quan Hải Phòng dẫn chứng một số vụ việc điển hình Hải Phòng đã làm từ đầu năm đến nay, như: Cục Hải quan Hải Phòng đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan), Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố tiến hành kiểm tra phát hiện hàng hóa lớn là hàng cấm nhập khẩu gồm 615 kg ngà voi được cất giấu trong các bao đóng lẫn với sừng bò trong hai ngày 01/02/2023 và ngày 06/2/2023. Cục Hải quan Hải Phòng đã kiểm tra và phát hiện hơn 7 tấn ngà voi đóng trong 3 container nhập khẩu vào ngày 20/3/2023. Cục Hải quan Hải phòng đã phối hợp Công an thành phố; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 bắt quả tang 03 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La) về các tỉnh Đông Bắc (Bắc Ninh, Hải Phòng) tiêu thụ, thu giữ lang vật là 12 bánh heroin trong ngày 25/02/2023.
Liên quan đến về công tác phòng, chống tội phạm, ông Lê Nguyên Trường, Phó giám đốc Công an thành phố cung cấp thêm thông tin, thành phố đã triển khai kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông, thí điểm phạt nguội để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại 05 nút giao thông trên địa bàn thành phố. Công tác đấu tranh tội phạm về trật tự xã hội: điều tra khám phá 367/412 vụ phạm pháp hình sự (đạt 89,1%), bắt giữ, xử lý 937 đối tượng; phá các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 41/42 vụ (đạt 97,6%).
Ông Lê Nguyên Trường, Phó giám đốc Công án TP. Hải Phòng báo cáo Phó thủ tướng. Ảnh: Quỳnh Nga. |
Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế công an thành phố đã điều tra, xác minh, xử lý 235 vụ việc về kinh tế; thụ lý, khởi tố mới 39 vụ với 62 bị can, xử lý hành chính 43 vụ, phạt tiền trên 0,6 tỷ đồng, kết thúc xác minh chuyển đơn vị khác xử lý 47 vụ. Trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy đã bắt giữ, xử lý 450 vụ với 868 đối tượng phạm tội ma túy; tang vật thu giữ 12,1 kg heroin, 28,6 kg ma túy tổng hợp, 134 kg cần sa, 2 súng, 20 viên đạn cùng nhiều tang vật liên quan. Về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; đã phát hiện 171 vụ việc, khởi tố 02 vụ, xử lý hành chính 106 vụ việc, phạt tiền trên 3,9 tỷ đồng.
Một số vụ việc điển hình như ngày 10/01/2023, Công an thành phố phát hiện, bắt giữ 03 đối tượng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Điều tra ban đầu xác định các đối tượng thành lập công ty để mua bán hóa đơn GTGT với doanh số 800 tỷ đồng. Ngày 24/02, Công an TP. Hải Phòng đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan Hải Phòng triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt giữ 02 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 17,5 kg ma túy tổng hợp và tang vật có liên quan.
Ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hải An báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Quỳnh Nga. |
Ở góc độ chính quyền địa phương trong quy hoạch xây dựng phối hợp thực hiện nhiệm vụ, ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hải An báo cáo: quận đã dành quỹ đất 1,2 ha để xây dựng kho bãi lưu trữ hàng hóa nhập lậu. Trong kiến nghị đề xuất của mình, ông Ổn đề xuất Chính phủ sớm cho triển khai xây dựng tuyến đường sắt quốc tế theo hành lang kinh tế tuyến Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cũng như cho xây dựng cầu Tân Vũ Lạch Huyện 2, để đảm bảo hàng hóa vận chuyển lưu thông từ cảng quốc tế Lạch Huyện không bị ách tắc, dồn ứ như hiện nay.
Sau khi nghe các ban ngành địa phương báo cáo cụ thể, Phó thủ tướng ghi nhận những kết quả mà Hải Phòng đã làm được với nhiều điểm tích cực. Nhưng Hải Phòng lại là trung tâm kinh tế lớn, cửa ngõ giao thông của cả nước đi quốc tế, nên hành vi buôn lậu, gian lận thương mại cũng nhiều hơn, phức tạp hơn những địa phương khác. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt hơn cho dù áp lực là rất lớn trong việc phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Vì thế kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng yêu cầu Hải Phòng cần tiếp tục thực hiện một số nội dung cơ bản.
Thứ nhất là nhất định không được lơ là, chủ quan vì tội phạm kinh tế ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Những kết quả đã đạt được của Hải Phòng vẫn còn khiêm tốn so với thực trạng, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng mang tính quốc tế.
Do đó, việc thứ hai Hải Phòng cần quan tâm đó là, phải quản lý được cán bộ của mình vì chính người cán bộ là người quản lý hàng hóa, trực tiếp với tiền. Không được để mất cán bộ.
Thứ ba nữa là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, nhất là Hải quan, Biên phòng, Công an và Quản lý thị trường. Cần tiếp tục trang bị, đầu tư các thiết bị hiện đại, ngang tầm với đòi của nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo 389 đề ra.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm cảng Nam Hải Đình Vũ trong chiều 25/9. Ảnh: Quỳnh Nga. |
Cũng trong sáng 25/9, tại TP.Móng Cái, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về tình hình phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 9 tháng đầu năm trên địa bản.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Quảng Ninh cho biết, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép qua biên giới tiếp tục được kiềm chế, không có vụ việc nổi cộm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 11,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, bằng 100% dự toán tỉnh giao, tăng 5% so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Quảng Ninh về phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Ảnh: Hải Minh |
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép qua biên giới tiếp tục được kiềm chế, không có vụ việc nổi cộm trên địa bàn tỉnh. 9 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã bắt giữ, xử lý gần 2.200 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 18 tỷ đồng (tăng 6,16% về số vụ, giảm 2,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022); trong đó 475 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thuế nội địa, tiền phạt VPHC 70,34 tỷ đồng, truy thu thuế bổ sung 133,3 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng cũng đã xử lý hình sự 28 vụ/32 đối tượng (giảm 3,4% về số vụ, giảm 23,8% về đối tượng so với cùng kỳ năm 2022); xử lý vi phạm hành chính 1.960 trường hợp, tiền bán thanh lý hàng tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính 20,7 tỷ đồng...
Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh đàm phán với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) hợp tác thí điểm triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), trong đó triển khai xây dựng cầu Bắc Luân III và xây dựng công trình qua biên giới tại lối mở cầu phao tạm Km 3+4 (Móng Cái - Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Đồng thời đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại thành phố Móng Cái; cho phép tỉnh nghiên cứu, báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch khu vực cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu và cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới.
Phó thủ tưởng cùng đoàn công tác của Chính phủ nghiên cứu sơ đồ và nghe báo cáo nhanh tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Ảnh: Minh Hà |
Qua kiểm tra thực tế một số cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái và làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh hiện nay quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực và ngày càng bền vững, ổn định, thực chất hơn. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các địa phương biên giới thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, hữu nghị.
Trong sáng mai (26/9), Phó thủ tướng và Đoàn công tác sẽ tiếp tục có cuộc làm việc với UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng chống tội phạm trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2023 tại Hải Phòng.