Ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 |
“M&A sẽ tạo nên câu chuyện thành công cho Việt Nam”
Là người có kinh nghiệm 28 năm trong lĩnh vực M&A, ông Jeffrey Pirie cho rằng, tổng giá trị các thương vụ M&A khu vực Đông Nam Á khoảng 115 tỷ USD. Dĩ nhiên, thực tế, con số này có thể cao hơn vì nhiều thông tin các thương vụ chưa công bố. Riêng tại Việt Nam, con số này là 5,8 tỷ USD trong 2016.
“Con số này dù khá nhỏ so với tổng giá trị các thương vụ tại Đông Nam Á nhưng so với dân số cũng như GDP Việt Nam thì đây là con số cực kỳ ấn tượng. Và chắc chắn sẽ có sự thay đổi về giá trị cũng như số lượng các thương vụ M&A trong thời gian tới”, ông Jeffrey Pirie khẳng định tại Diễn đàn M&A Việt Nam.
Đại diện này cũng khẳng định, càng nhiều thương vụ M&A thì càng tốt cho nền kinh tế Việt Nam. "Đây chắc chắn là chất xúc tác, nhân tố quan trọng cho sự thay đổi ngày càng quan trọng cho Việt Nam", ông Jeffrey Pirie chia sẻ tại Diễn đàn.
Theo ông Jeffrey Pirie, có 4 ưu điểm nổi bật của hoạt động M&A.
Thứ nhất là năng lực. Một khi hoạt động M&A diễn ra, tất cả mọi người trong các tổ chức sẽ có năng lực giỏi hơn thông qua việc áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm vận hành.
Thứ hai là cạnh tranh. M&A sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn với hiệu quả sử dụng cao hơn và với giá cả thấp hơn. Thứ ba là vốn. Khu vực Đông Nam Á được nhận định là nhà nhập khẩu vốn quan trọng trên thế giới. “Đây là một luồng vốn lâu dài, ổn định và cố định. Đây là yếu tó quan trọng cho thị trường mới nổi như Việt Nam. Việt Nam đang được đặt kỳ vọng vào các hoạt động M&A đặc biệt khi giới trung lưu đang ngày càng phát triển mạnh. M&aA là nhân tố thay đổi, làm cho câu chuyện tại Việt Nam từ tốt đến tốt hơn, thậm chí tốt nhất”, ông Jeffrey Pirie nói.
Dù vậy, không thể phủ nhận 4 yếu tố tiêu cực từ M&A là sự kiểm soát - thâu tóm, tập quán không lành mạnh từ những tập đoàn lớn, bong bóng về tài sản và vị trí.
"Theo tôi, đây không phải vấn đề lớn, nhưng cần cẩn trọng và có thể kiểm soát qua các quy định của pháp luật", ông Jeffrey Pirie nói.
Quang cảnh Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 |
Việt Nam sẽ có nhiều câu chuyện thành công từ M&A
Vậy, Việt Nam cần có những yếu tố gì để thúc đẩy hoạt động M&A đột phá khi Việt Nam là quốc gia đã tham gia hội nhập toàn cầu với nhiều hiệp định thương mại trên thế giới (thể hiện qua dòng vốn nước ngoài đầu tư 3 năm qua đã ngang bằng với Trung Quốc và Ấn Độ); danh sách một số thương vụ trong 1 năm qua đã có nhiều cái tên từ các công ty hàng đầu xuất hiện.
Theo ông Jeffrey Pirie, có 3 việc cần làm.
Một là, Việt Nam cần thực thi đầy đủ những gì đã cam kết, không bảo hộ và đừng làm nản lòng các nhà đầu tư.
Hai là, Việt Nam cần giảm bớt các quy định, các doanh nghiệp cần IPO nhiều hơn và dù đã lên sàn hay chưa, việc minh bạch các thông tin cần được chú trọng và tích cực hơn nữa.
Ba là, cần chú ý đến các lĩnh vực đang được chú ý mạnh như tiêu dùng và công nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực mà tầng lớp trung lưu đang tập trung. Thêm vào đó, thời gian tới, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà còn doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ là đối tượng cho các thương M&A, kể cả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Xu hướng sắp tới, nội bộ các châu Á sẽ tự M&A lẫn nhau như Singapore, Thái Lan...Ngoài ra, xu thế số hóa là yếu tố quan trọng cho M&A Việt Nam. Sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số tỷ USD trong 5 năm tối. Càng có nhiều M&A thì càng nhiều câu chuyện thành công. M&A lả chất xúc tác thúc đẩy Doanh nghiệp tự thể hiện mình cho chu kỳ hoạt động tiếp theo. Càng nhiều M&A thì càng nhiều ý chí, sự kiên định để đi con đường mình đã thiết lập. Doanh nghiệp nhà nước cũng cần được cạnh tranh trên thị trường bình đẳng và rõ ràng hơn, đây là quá trình không đơn giản”, ông Jeffrey Pirie nói.