Doanh nghiệp
Phó tổng giám đốc EVN: Tăng cường mua điện từ các nước láng giềng
Thế Hải - 28/05/2022 16:37
Trước thực tế không có bất cứ dự án nguồn điện mới nào ở phía Bắc, EVN đã báo cáo Bộ Công thương và Chính phủ cho phép tăng cường mua điện của các nước láng giềng.
Tăng cường mua điện từ Lào, Trung Quốc, kết hợp điều chỉnh phụ tải..là giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho miền Bấc

Cung ứng đủ điện cho mùa nắng nóng tại phía Bắc đang là vấn đề lớn khi các dự án nguồn điện mới gần như không có, giải pháp được nhà cung cấp đề cập là điều chỉnh phụ tải, tăng mua điện từ Lào và Trung Quốc. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Võ Quang Lâm chia sẻ với Báo Đầu tư.

Từ cuối năm 2021, EVN đã xây dựng các kịch bản để đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của năm 2022, trong đó có nghiên cứu, đề xuất với Bộ Công thương 2 kịch bản: Thứ nhất là tăng trưởng ở mức 8%/năm và kịch bản cao là 12%.

Theo ông Lâm, qua các kịch bản cân đối về tăng trưởng, về cơ bản EVN đảm bảo cung ứng điện được cho năm 2022, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam, nơi có cơ cấu nguồn điện dư dả hơn so với miền Bắc. Do đó có thể khẳng định, đảm bảo cung ứng điện cho 2 khu vực này sẽ tốt trong năm 2022.

Miền Bắc thì có yếu tố phụ thuộc vào thời tiết, nếu nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện có thể tăng 20-30% so với những tháng bình thường và chính vì thế, đây là rủi ro nếu trong tình huống xảy ra thời tiết cực đoan, thì có thể xảy ra một số thời điểm mất cân đối cung cầu.

Chỉ ra những điểm khác biệt về cơ cấu sử dụng điện ở phía Bắc, ông Lâm cho biết, điện sử dụng cho công nghiệp trên toàn quốc chiếm khoảng 54%, điện cho sinh hoạt chiếm 34%, 2 thành phần này chiếm 88%, nhưng cơ cấu sử dụng điện ở miền Bắc lại không như vậy.

Hiện nay, công nghiệp phía Bắc đang chiếm 66%, sinh hoạt chỉ chiếm 28% và là sự khác biệt lớn. Đặc biệt, trong 4 tháng qua, tăng trưởng điện sinh hoạt cả nước là 10,6% thành phần công nghiệp phía Bắc tăng trưởng 6,42%, so với tăng trưởng chung về điện thương phẩm cả nước là 6,32%, tức là điện cho công nghiệp cao hơn một chút so với tăng trưởng trung bình của cả nước, tuy nhiên điện cho sinh hoạt ở phía Bắc lại tăng rất cao.

"Cơ cấu của điện sinh hoạt ở miền Bắc thấp hơn so với cả nước nhưng tăng trưởng lại cao hơn. Trong 4 tháng qua, tăng trưởng cho điện sinh hoạt là 10,6%, như vậy tăng trưởng này cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng bình quân cả nước. Đây là tỷ lệ rất cao và chính vì vậy, dư địa để làm các chương trình năng lượng tiết kiệm thì chỉ ở khu vực công nghiệp và sinh hoạt", ông Lâm lưu ý.

Trong khi đó, về nguồn điện tại phía Bắc hiện có hợn 14.000 MW nhiệt điện than, 9.400 MW thủy điện và 3.000 MW thủy điện nhỏ, những tăng trưởng về thủy điện cơ bản không còn, về nhiệt điện than, theo tổng sơ đồ 7 điều chỉnh thì 4-5 năm tới có thêm nhiệt điện Quảng Trạch, ngoài ra không có dự án nào mới.

Do đó, phụ tải phía Bắc đang trông chờ vào Nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW.

Ông Lâm cho biết, mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hòa lưới bằng dầu làn đầu cho nhà máy này. Chúng tôi hy vọng PVN sớm đưa nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động vào cuối năm nay và đầu năm sau.  Nếu có thêm Nhiệt điện Thái Bình thì phía Bắc được hỗ trợ thêm 1.200 MW.

Trước thực tế không có bất cứ dự án nguồn điện mới nào ở phía Bắc, EVN đã báo cáo Bộ Công thương và Chính phủ cho phép tăng cường mua điện của các nước láng giềng.

Thời gian qua, EVN đã hoàn thành dự án Tương Dương 220kV - Nậm Mô để kết nối với phía Lào và dự án này sẵn sàng mua điện trong tháng 6/2022  với công suất 135 MW bổ sung cho hệ thống điện phía  Bắc. EVN cũng đang nâng cấp tuyến kết nối với Trung Quốc để có thể mua thêm trong giai đoạn sắp tới hơn 500 MW, khi hệ thống điện mất cân đối về nguồn.

"Với tính toán này, chúng ta chỉ có thêm được 700 MW thủy điện khi kết nối được với các nước bạn trong thời gian tháng 6 đến tháng 8 còn nhiệt điện than phải chờ Dự án Thái Bình 2. Khu vực phía Bắc rất thiếu về nguồn, đây là vấn đề cần tích cực giải quyết trong thời gian sắp tới, đặc biệt phải làm sao có được dự án mới để bổ sung nguồn cho phía Bắc", ông Lâm nêu.

Tất nhiên, để có hệ thống nguồn điện cũng không đơn giản, bởi thủy điện chỉ còn trông chờ vào một số dự án thủy điện nhỏ ở Tây Bắc đang triển khai với quy mô không nhiều, nếu làm điện gió thì thời gian triển khai một dự án cũng phải mất 4 đến 5 năm và đây là thách thức đối với EVN trong việc cung ứng điện trong những năm sắp tới.

Tin liên quan
Tin khác