Thời sự
Phố Wall đỏ sàn, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Lê Quân - 04/09/2019 14:15
Chứng khoán châu Á mở phiên hôm nay 4/9 với nhiều xáo trộn sau thông tin lần đầu tiên kể từ năm 2016, hoạt động sản xuất của Mỹ bị thu hẹp trong tháng 8.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,1% ngay đầu phiên, còn Topix trượt sâu hơn 0,43%.

Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lên điểm 0,19%. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 ghi nhận mức giảm 0,87%.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giao dịch đi ngang. 

Giới đầu tư đang trông đợi số liệu tăng trưởng GDP của Australia trong quý II/2019, dự kiến được công bố trong sáng nay. Hôm qua 3/9, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) tuyên bố giữ nguyên lãi suất tiền mặt ở mức thấp kỷ lục 1%, nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp và ổn định lạm phát. Thông tin này tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư, khiến chỉ số S&P/ASX 200 chốt phiên 3/9 giảm nhẹ còn 6.573,40 điểm, với chỉ số chuyên biệt tài chính trượt 0,14%. 

Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm nay được kỳ vọng nhận “cú hích” mới sau thông tin tích cực về ngành dịch vụ nước này. Kết quả cuộc khảo sát tư nhân vừa công bố sáng nay cho thấy ngành dịch vụ Trung Quốc trong tháng 8 đã “bứt tốc” mạnh nhất trong 3 tháng qua với lượng đơn hàng tăng cao, đẩy tăng trưởng việc làm lên mức kỷ lục trong vòng 1 năm qua.

Chỉ số quản lý sức mua ngành dịch vụ (PMI) Caixin/Markit đạt 52,1 điểm trong tháng 8, mức cao nhất kể từ hồi tháng 5.

Trước đó, kết quả cuộc khảo sát tư nhân công bố ngay đầu tháng 9 cũng cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 8 tăng trưởng ngoài sức mong đợi. 

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit tăng lên 50,4 điểm trong tháng 8, cao hơn mức 49,8 mà các nhà kinh tế đã dự báo với Reuters. Thông tin tốt giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục giữ sắc xanh ngay đầu phiên 2/9, với chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,45% và 0,853%.

Chứng khoán Mỹ nhuốm đỏ trong phiên 3/9 - phiên đầu tiên trong tháng 9 - sau thông tin hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 8 sụt giảm. Thị trường Mỹ đóng cửa ngày 2/9 do nghĩ lễ lao động (Labor Day).

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones “bốc hơi” 285,26 điểm và chốt phiên ở mức 26.118,02, còn S&P 500 đóng phiên giảm 0,7% còn 2.906,27 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite kịp hồi 1,1% về mức 7.874,16 ở cuối phiên.

Thị trường lao dốc sau khi Viện Quản lý Cung ứng (ISM) tại Mỹ cho biết lần đầu tiên kể từ năm 2016, hoạt động sản xuất chế tạo của Mỹ bị thu hẹp trong tháng 8. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái.

Ngay sau công bố của ISM, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống thấp kỷ lục còn 1,441% - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mốc 99,3 phiên hôm qua 3/9 về mức 98,945.

Đồng yên Nhật tăng giá và giao dịch ở mức 105,87 JPY đổi 1 USD. Đồng đô la Australia “trao tay” ở mức 1 AUD “ăn” 0,6767 USD, lên giá so với mức dưới 1 AUD đổi 0,672 USD phiên hôm qua.

Giá dầu trên thị trường châu Á biến động không đáng kể sáng nay, với giá dầu Brent giao kỳ hạn ở mức 58,25 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ đứng ở mức 53,96 USD/thùng.

Tin liên quan
Tin khác