Cần cơ chế thích hợp để tăng hiệu quả nguồn lực công - tư kích hoạt kinh tế xanh Đồng bằng sông Cửu Long
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, đây là năm thứ hai Đồng Tháp tổ chức một Diễn đàn khởi nghiệp có tính chất đối thoại công - tư ở quy mô cấp vùng, tập trung thảo luận hai bài toán khó.
Thứ nhất, là những xu hướng mới, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh, bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long;
Thứ hai, bài toán trọng tâm của quốc gia và của vùng về thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa công bố 6 thông điệp chính tại Diễn dàn Mekong Startup Đồng bằng sông Cửu Long lần 2/2024 |
Đáng chú ý, tại 2 của phiên toàn thể Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024 này, các đại biểu và chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ góc nhìn quốc tế về bối cảnh, xu hướng và giải pháp kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo, cộng hợp nguồn lực công - tư hiệu quả cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, du lịch và kinh tế xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
ông Peter Johnson, Chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) phát biểu tại Diễn đàn Mekong startup lần 2 - năm 2024 |
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Peter Johnson - Chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với các nguy cơ như tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu, sử dụng quá mức tài nguyên và những chính sách cơ chế cho lĩnh vực này chưa đầy đủ.
Do vậy, giải pháp phát triển nông nghiệp xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long cần: Nông nghiệp chính xác, hệ thống giám sát, phân tích, cơ sở hạ tầng hỗ trợ; tiếp thị kỹ thuật số; xây dựng các giải pháp kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời cho các trang trại nhỏ; chuyển đổi phụ phẩm thực phẩm thành năng lượng hoặc các sản phẩm khác; sử dụng các công nghệ như AI, IoT và phân tích dữ liệu để cải thiện việc giám sát đất, đánh giá sức khỏe cây trồng và quản lý nước; cung cấp giáo dục và đào tạo để chuyển đổi ngành nông nghiệp...
Cùng chung tay phát hut hiệu quả nguồn lực công- tư trong phát triển kinh tế xanh Đồng bằng sông Cửu Long |
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality, Chuyên gia về đổi mới sáng tạo của Tổ chức Helvetas cho biết, để phát triển du lịch xanh cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, trong đó tạo không gian hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, startup và cộng đồng để thử nghiệm và triển khai các sáng kiến du lịch xanh; tăng cường vai trò của startup và SME trong đổi mới sáng tạo; khuyến khích áp dụng công nghệ trong quản lý và trải nghiệm du lịch xanh.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án du lịch xanh; nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho người dân địa phương và du khách theo hướng phát triển bền vững.
Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch đề xuất ý kiến tại Diễn đàn |
Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đề xuất trong năm đầu tiên, Đồng Tháp đăng ký triển khai thí điểm với cam kết tiên phong và quyết tâm xây dựng các mô hình mẫu; đồng thời, hy vọng các các tỉnh, thành phố trong khu vực sẽ cùng thực hiện. Mục tiêu là thiết kế và triển khai các tour du lịch 2 - 3 ngày với hệ thống dịch vụ đồng bộ, bao gồm: Ăn uống, lưu trú, di chuyển và giải trí, được phát triển theo đúng tinh thần xanh và bền vững.
Đồng quan điểm trên, ông Vũ Chí Công, Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, Tập đoàn VinaCapital đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như cần phát triển những dự án lớn, nhằm thu hút nguồn đầu tư lớn, phát triển các startup lớn mang tính lâu dài, bền vững; đẩy mạnh các quy định về thị trường carbon, các chính sách liên quan đến dự án rừng, sử dụng đất; sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật các ngành liên quan đến tín chỉ carbon.
Theo Giáo sư Phan Văn Trường, Chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, cần có những tham tán thương mại để tiếp thêm động lực cho các startup trong mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp; cần gắn kết tính truyền thống, văn hóa bản sắc bản địa nối liền với thị trường. Cần tạo ra cộng đồng khởi nghiệp theo từng chuyên ngành; đào tạo nguồn nhân lực xanh để có đội ngũ con người có hiểu biết, kĩ năng, thái độ tương thích với các yêu cầu chuyển đổi xanh để chuyển đổi không chỉ cho ngành du lịch mà cho nhiều ngành kinh tế khác trên địa bàn; xây dựng chính sách ưu đãi; tăng cường hợp tác quốc tế...
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, sau diễn đàn này, Ban Tổ chức sẽ tập hợp toàn bộ các ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn để xây dựng, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tạo cú huých cho hợp tác công - tư thúc đẩy khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã công bố 6 thông điệp chính của Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024 gồm:
Thứ nhất, Diễn đàn đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng BĐSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”. Trong đó, Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực BĐSCL ” trong tình hình mới.
Thứ hai, Diễn đàn với sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì và phát triển trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn.
Thứ ba, thông qua các hoạt động của Diễn đàn và Mạng lưới, chúng ta sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường thời gian tới để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ của khu vực BĐSCL; đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch và đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh - tuần hoàn và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh.
Thứ tư, tại Diễn đàn, những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh đã được tôn vinh. Đây là tiền đề để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân, các nhà khoa học tiếp tục đóng góp một cách có trách nhiệm cho bài toán dựng xây quê hương theo định hướng kinh tế mới.
Thứ năm, thông qua Diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng đã được phát triển lên một bước, định hướng bền vững trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ra đời các mô hình mới hiệu quả, thiết thực như ý kiến góp ý từ các chuyên gia, Bộ, ngành Trung ương.
Thứ sáu, các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thu hút được đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước (cả khu vực công và tư); đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, vị thế của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2. |
Phát biểu tại lễ ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực nghiên cứu, mạnh dạn tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền cho áp dụng các cơ chế đặc thù, thí điểm, thử nghiệm, “sandbox”, và hiệu quả hơn nữa là gắn các cơ chế này với các Đề án/chương trình lớn của quốc gia đã và đang triển khai tại khu vực.
Đồng thời cần tập trung nhận diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh của vùng và cả nước.