Theo thông tin giám sát, ngày 12/6/20241, tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do não mô cầu; đồng thời trên cùng địa bàn cũng ghi nhận trường hợp tử vong có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm.
Ngày 13/6/2024, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có Công văn số 517/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu. |
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chủ động, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới bệnh do não mô cầu tại cộng đồng trong khu vực xảy ra ổ dịch;
Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đảm bảo tổ chức tốt thu dung, chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm; cung cấp thông tin về các biện pháp phòng lây nhiễm cho người chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh do não mô cầu (khi tiếp xúc với người bệnh và ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…).
Rà soát, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng thuốc, thiết bị y tế để hỗ trợ triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế và các đơn vị liên quan về giám sát, phát hiện, điều tra ca bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực.
Cũng về bệnh viêm não mô cầu, Theo Sở Y tế Hà Nội, vừa qua Hà Nội ghi nhận một ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Đó là nam bệnh nhân (22 tuổi, địa chỉ thị xã Sơn Tây), khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt (không rõ nhiệt độ), có cơn rét run.
Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, cơn 1-2 phút, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105, chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não chưa loại trừ não mô cầu, được thở oxy, chống co giật, kháng sinh, sau đó chuyển Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ, lơ mơ, Kernig+, cứng gáy.
Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng cho kết quả dương tính với não mô cầu. Theo các bác sĩ, vi khuẩn não mô cầu nhóm B là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua, gây ra các bệnh cảnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt, điếc, cắt cụt chi, thiểu năng trí tuệ…
Hệ thống giám sát trọng điểm viêm màng não do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương điều hành thu thập dữ liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 (TP.HCM) và Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) từ năm 2012 cho thấy, hầu hết các trường hợp viêm màng não mô cầu xâm lấn đều do não mô cầu nhóm B gây ra.
Báo cáo 15 trường hợp có biến chứng nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 2016-2020 đều do nhóm huyết thanh B.
Đặc biệt đáng chú ý, tỷ lệ người lành mang vi khuẩn não mô cầu nhóm B, nhất là nhóm thanh, thiếu niên chiếm đa số. Kết quả theo dõi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát hiện, khoảng 25% tân binh ở độ tuổi 18-25 mang vi khuẩn não mô cầu không có triệu chứng, chiếm 53,19% trường hợp (từ năm 2012-2014).
Theo dữ liệu giám sát của Bộ Y tế Công cộng Anh, khoảng 9/10 trẻ em và thanh thiếu niên tử vong do bệnh viêm màng não mô cầu xâm lấn không qua khỏi trong khung 24 giờ, kể từ khi được chẩn đoán.
Trẻ mắc não mô cầu vẫn có thể tử vong trước cả 24 giờ khiến người nhà rất sốc vì buổi sáng trẻ còn đến trường khỏe mạnh nhưng tối đã rơi vào nguy kịch.
Chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu rất tốn kém, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, phải huy động nhiều thiết bị, nhân lực, chưa kể gánh nặng chăm sóc người tàn tật về sau.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm thường gặp ở Việt Nam là A, B, C, Y, W-135.
Theo bác sĩ Hải, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tháng tuổi có nguy cơ mắc não mô cầu nhóm B cao nhất. Ở trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ mắc viêm màng não mô cầu xâm lấn cao gấp 10 lần (3,6/100.000) so với tỷ lệ dân số (0,28/100.000) và nhóm huyết thanh B chiếm 65% số trường hợp.
Theo các bác sĩ, việc phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B cho trẻ từ sớm là rất quan trọng.
Ngoài ra, người dân cần tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh về não khác như vắc-xin phế cầu, vắc-xin sởi, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản… tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh hoặc sức khỏe suy yếu, dễ bị vi khuẩn não mô cầu tấn công trong bối cảnh thời tiết phức tạp và nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như hiện nay.