Thời sự
Phòng chống tham nhũng: Kiểm soát quyền lực chưa được quan tâm đúng mức
Nguyễn Lê - 19/10/2022 14:51
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức, trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ký báo cáo gửi Quốc hội nội dung thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Ủy ban này cơ bản tán thành với đánh giá tình hình của Chính phủ.

Đó là: "Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp".

Cơ quan thẩm tra cho rằng trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…

Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp .

Về nguyên nhân của những hạn chế, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực.

Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về PCTN, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Nguyên nhân tiếp theo được cơ quan của Quốc hộị chỉ ra là việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang, cục bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước được đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.

Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

"Đề nghị Chính phủ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Trong công tác PCTN năm 2022, cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so với cùng kỳ); kết luận điều tra đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can.

Viện Kiểm sát đã truy tố và Tòa án Nhân dân đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó xét xử 410 vụ/945 bị cáo về các tội tham nhũng. Tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 43 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 106 bị cáo; tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 232 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 516 bị cáo.

Tin liên quan
Tin khác