Như ở bài trước, chuyên gia đã chia sẻ về tiến trình thực hiện dự án theo phong thủy. Theo đó, khi triển khai dự án đầu tư xây dựng theo phong thủy địa lý gồm các bước: Bước 1 khảo sát Long mạch của phong thủy địa lý và tâm linh, phân ra các khu đất phù hợp với từng loại công trình; Bước 2 định hướng để đơn vị tư vấn thiết kế lên ý tưởng và triển khai tổng mặt bằng toàn bộ dự án.
Như vậy, địa lý phong thủy của đã ảnh hưởng tới kiến trúc quy hoạch phân khu toàn bộ dự án. Vậy các bước tiếp theo là gì, ảnh hưởng đến kiến trúc như thế nào?
Bước tiếp theo là bước 3: tính phong thủy tiểu cục cho từng khu và nội cục từng công trình.
Căn cứ vào từng phân khu các lô đất nhỏ khác nhau, chuyên gia phong thủy sẽ xem xét địa hình, địa thế, xem sơn ở đâu, thủy ở đâu, ứng vào câu: “Tựa sơn, hướng thủy”, xem dòng nước chảy thế nào, đường giao thông xung quanh lô đất ra sao, rồi sẽ chỉ định phong thủy từng tòa nhà riêng biệt hay từng dãy nhà đó có thế nằm như thế nào, có hướng nhìn về đâu. Đó chính là phong thủy tiểu cục, được tính trên cơ sở phong thủy đại cục.
Điều này có nghĩa là xem phong thủy chi tiết cho từng khu đất: xem thời vận phong thủy vượng được bao nhiêu năm, vượng từ năm nào đến năm nào, để chỉ định thế và hướng nhà cho từng công trình trên các khu đất. Từ đó, mới có thể tính phong thủy chi tiết bên trong từng công trình.
Vậy với dự án quy mô lớn có điều gì đặc biệt không, thưa ông?
Nếu là dự án lớn triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ nhiều năm, khu nào được thời vận thì xây trước, khu nào chưa được thời vận thì để lại giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3.
Bởi một dự án lớn, chủ đầu tư không đủ lực triển khai đồng loạt, mà đủ tiền cũng chẳng xây đồng loạt, bởi xây hàng loạt mà bán không hết thành hàng tồn kho nhiều là không hợp lý.
Sau khi tính về thời vận thì bước tiếp theo là gì?
Tiếp theo, người ta sẽ lập đồ hình phong thủy chi tiết cho từng công trình và sẽ chỉ định tòa nhà đó vị trí cửa chính ở đâu, bên Thanh Long hay bên Bạch Hổ, hay ở chính giữa, tương ứng với tả môn, hữu môn hay chính môn.
Tiếp theo mới chỉ định công trình riêng biệt này được phép mở thêm mấy sảnh và cửa ra vào, là các sảnh hông, cửa hông hoặc có được phép mở cửa hậu hay không?
Khi triển khai phong thủy cho công trình, căn cứ vào 4 phương, 8 hướng, 24 sơn để tính ra các phương vị tốt, xấu theo thời vận của Thiên, Địa, Nhân rồi mới chọn các vị trí để chỉ định các công năng bên trong công trình.
Đối với những công trình là cơ quan làm việc, những phương vị tốt người ta sẽ ưu tiên đặt phòng thờ, phòng làm việc và các phòng liên quan đến tài vận. Rồi mới đến các không gian phụ là cầu thang máy, thang bộ, vệ sinh, bể nước, bể phốt… Đối với nhà ở, các phương vị tốt bao giờ cũng dành để đặt phòng thờ, phòng ngủ, khu bếp ăn, các không gian phụ khác là cầu thang, vệ sinh, nhà kho…
Sau khi duyệt mặt bằng công năng công trình, đến giai đoạn thiết kế quy hoạch sân vườn của mỗi công trình phải tuân thủ theo phong thủy đại cục và từng đồ hình phong thủy của các vị trí và phương hướng khác nhau. Bởi các vị trí sảnh khác nhau sẽ lên quan đến đường đi nội bộ xung quanh và sân, rồi mới đến cảnh quan và vườn cây…
Vậy còn với các giải pháp trấn thì sao?
Đây chính là bước thứ 4: chọn giải pháp trấn theo phong thủy địa lý.
Nếu trấn theo đường Âm thì phải là bậc thầy tâm linh giỏi, có những pháp trấn tùy theo toàn bộ dự án và từng vị trí đất khác nhau. Trấn theo đường Dương theo phong thủy chính là giải pháp liên quan đến ngũ hành. Ở trong hay ngoài nhà, người ta đặt một cây lớn ở đâu thuộc về Mộc trấn. Đặt một non bộ ở vị trí nào đó trong khu đất thì thuộc về Thổ trấn. Làm hồ cá, ao cá, bể cá cảnh thuộc về Thủy trấn. Ở ngoài nhà có cột điện bằng kim loại, hay bày tượng bằng kim loại ở trong hay ngoài nhà đều là Kim trấn. Nếu ở trong nhà két sắt cũng được xét là Kim trấn.
Ở trên đã đề cập đến Kim, Mộc, Thủy, Thổ trấn rồi, vậy còn Hỏa trấn? Điều này ít người để ý và giải thích. Nhưng đối với một tòa nhà chung cư, nơi lò hóa vàng thuộc về Hỏa trấn. Trong nhà ở, thì bếp là Hỏa trấn, với cơ quan có khu bếp nấu gọi là khu vực có Hỏa trấn.
Cho nên, người ta nói rằng vị trí và hướng của bếp tính theo tuổi của nam gia chủ là không đúng, mà vị trí này phải được tính theo Hỏa trấn. Với một cơ quan thời gian sau lại thay lãnh đạo mới, khu bếp nấu không thể tính theo tuổi lãnh đạo được. Không hợp hướng cũng không thể thay đổi được. Ngoài ra, có một nơi liên quan đến Hỏa trấn trong nhà đó là nơi thờ tự, bởi chúng ta thắp hương, đèn, nến, đèn điện đều thuộc về Hỏa trấn.
Tương tự như thế, nơi thờ tự ở cơ quan không thể tính theo tuổi lãnh đạo, mà phải tính theo đại cục, đến tiểu cục.
Khi triển khai thiết kế quy hoạch, có tuyến đường theo quy hoạch không phù hợp với phong thủy, thì giải pháp kiến trúc xoay chuyển thế và hướng công trình theo phong thủy, chứ không nhất thiết là nhà cứ phải vuông với đường, hoặc ban công của nhà cứ phải vuông vắn với nhà. Đó cũng là một giải pháp chấn trong phong thủy.
Giải pháp trấn của thủy rất đa dạng, tùy thuộc vào pháp mỗi thầy, nhưng lưu ý không nên chôn các con vật sống, hay tượng các linh vật. Bởi khi phát sinh vấn đề thì hóa giải rất phức tạp.
Trên thực tế có nhiều dự án bị đình trệ rất lấu, vậy có nguyên nhân do phong thủy không?
Có nhiều khu đất có vị trí đắc địa - thường được gọi là đất vàng, nhiều khi triển khai dự án rất khó khăn, những chướng họa không biết từ đâu đến, phải đổi chủ đầu tư nhiều lần. Có những dự án làm lễ động thổ xong đắp chiếu nhiều năm trời. Tưởng rằng đang sở hữu đất vàng, nhưng lại ôm mối họa lớn.
Khi xét theo khía cạnh đường Âm và Dương, mỗi lô đất lại phù hợp với một mục đích sử dụng khác nhau. Có những khu đất chỉ phù hợp với việc làm công trình công cộng, ví như văn phòng cho thuê hoặc khách sạn là vượng khí về tài lộc, chủ đầu tư chuyển đổi công năng thành xây nhà ở thì dự án cứ trục trặc, triển khai xây dựng gặp rắc rối, lợi nhuận bị ảnh hưởng. Cũng như trong thực tế, không phải loại đất nào cũng lấy ra để làm đồ sành sứ. Đất đồi, đất cát mà cố làm đồ sành sứ thì sản phẩm không giá trị, độ bền không cao.
Ngoài ra, như phần 1 bài viết đã nói, đất nào cũng liên quan đến Long mạch của phong thủy địa lý và tâm linh, đất nào cũng có thịnh suy theo thời vận, theo từng địa thế và hướng của từng lô đất. Nếu xây dựng không đúng thời, làm không chuẩn Long mạch - phong thủy địa lý - tâm linh, thì đương nhiên triển khai sẽ khó khăn.
Vậy yếu tố Thiên thời có vai trò ra sao với dự án, thưa ông?
Một yếu tố liên quan đến dự án thành công nhiều hay ít là thiên thời, tức là thời điểm triển khai dự án, cũng là lúc bắt đầu động thổ. Nếu được năm tháng đẹp, kể cả giấy phép xây dựng chưa xong, người ta vẫn làm lễ cúng động thổ. Nhiều khi đợi mấy tháng sau giấy tờ mới xong, rồi mới tính ngày động thổ thì lại không được thiên thời.
Theo tâm linh, mỗi cuộc đất có thời vận thịnh suy theo năm khác nhau, đất cũng có đại vận và tiểu vận của đất. Những đất không được thời mang ra xây dựng đương nhiên luôn gặp rắc rối, ứng vào câu: “Thiên có thời, địa có vận, nhân có tuần”.
Ở đây, chúng ta hiểu vận của Thiên dài hơn vận của Địa, vận Địa dài hơn vận của Nhân. Ứng theo lá số, vận của nhân cứ 10 năm là 1 đại vận, ứng theo phong thủy thì vận của đất là 20 năm một đại vận (theo Huyền không Phi tinh, chúng ta đang trong vận 8 từ 2004 – 2023) và vận của Thiên thì dài hơn rất nhiều vận Địa.
Dân gian cũng có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Bình quân cứ 20 năm sẽ có một thế hệ kế tiếp, ba đời ứng với 60 năm. Một cuộc đất vượng nhất cũng chỉ trong 60 năm và có xấu cũng tối đa chỉ trong 60 năm. Nên chúng ta thấy, làm dự án phải biết “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”.
Ở đây yếu tố Thiên thời, Địa lợi đã nói rồi, nhưng Nhân hòa thì không phải ai cũng có thể đứng “cầm cái” triển khai dự án, hoặc không phải ai cũng hợp tuổi để đứng ra động thổ dự án. Dân gian có câu “Quý vật tìm quý nhân”, người không đủ căn cơ, vận số thì đương nhiên không thể triển khai được dự án lớn.