Doanh nhân
Phụ nữ dấn thân khởi nghiệp: Chồng là chỗ dựa, con cái là động lực
Nhung Bùi - 08/03/2023 09:45
Khi một người lựa chọn khởi nghiệp, họ chấp nhận bước vào hành trình nhiều chông gai. Khi người phụ nữ bước chân vào khởi nghiệp, hành trình ấy cộng thêm cả những áp lực và sự hy sinh không thể đong đếm.

Sự hy sinh thời hiện đại

Không hẹn mà gặp, chị Hoài Thanh, đồng sáng lập startup quản trị tòa nhà PiHome, và chị Minh Thu, đồng sáng lập thương hiệu thời trang Melya, đều có một điểm chung: “Đồng cam cộng khổ” trên hành trình khởi nghiệp cùng chồng từ những ngày đầu tiên.

Tại Việt Nam, chưa có một thống kê, báo cáo nào cụ thể về số lượng những người phụ nữ tham gia vào hoạt động khởi nghiệp như chị Thanh hay chị Thu. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính tới cuối tháng 9/2019, nước ta có hơn 285.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành, chỉ chiếm khoảng 24% tổng số các doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do phụ nữ Việt Nam vẫn gặp phải những định kiến xã hội, đặc biệt là vấn đề liên quan tới gia đình. Một người phụ nữ sau khi bước chân vào hôn nhân, cần vừa gánh vác việc gia đình vừa lo toan sự nghiệp, trong khi nam giới có nhiều điều kiện hơn để tập trung vào vế sau. Do đó, với phụ nữ, quyết định dấn thân vào con đường khởi nghiệp là quyết định dũng cảm và ít nhiều luôn đi kèm với hy sinh.

Chị Minh Thu chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn rằng, năm 2019, khi thấy chồng mình là anh Cao Tiến Thành quyết tâm khởi nghiệp trong mảng thời trang, chị đã không thể ngồi yên. Thời điểm đó, chị Thu vừa sinh bé thứ hai được một tháng nhưng chị thấu hiểu nỗi vất vả khi chồng đi sớm về khuya để tìm hiểu về một lĩnh vực mà anh chưa có kinh nghiệm, lại không phải thế mạnh của đàn ông.

“Tôi đứng giữa 2 sự lựa chọn: Một là ở nhà chăm con; hai là đi khởi nghiệp cùng chồng. Và rồi tôi chấp nhận đánh đổi, cho con nhỏ ở nhà để khởi nghiệp cùng anh Thành”, đồng sáng lập thương hiệu thời trang Melya chia sẻ.

Hai nhà sáng lập thương hiệu thời trang Melya, chị Minh Thu và anh Tiến Thành.

Tương tự như chị Thu, chị Hoài Thanh, cũng xuất phát từ sự đồng cảm với chồng mình, anh Trần Bá Thìn, nên chị đã lựa chọn từ bỏ chuyên ngành luật sư để cùng anh xây dựng startup phần mềm quản lý tòa nhà PiHome. Chị Thanh tiết lộ chị tốt nghiệp Đại học Luật vào năm 2011 và lấy được chứng chỉ luật sư năm 2013. Niềm đam mê với ngành Luật luôn cháy bỏng, nhưng không thắng được cảm giác thương xót khi thấy anh cô độc trên hành trình khởi nghiệp, không biết chia sẻ cùng ai.

“Có những buổi tối đi làm về, tôi thấy anh mệt và tâm sự với mình, nhưng hai chuyên ngành khác nhau, tôi không hiểu được. Tôi nghĩ nếu anh đã quyết tâm thì tôi sẽ hỗ trợ anh trong giai đoạn đầu, cứ tưởng vài năm ổn định rồi thôi, vậy mà đến nay đã được 10 năm”, chị Hoài Thanh nhớ lại.

Chồng là điểm tựa, con cái là động lực

Không chỉ riêng phụ nữ mà ai cũng vậy, bước chân vào hành trình khởi nghiệp là đối diện với vô số áp lực, từ chuyện tìm đội nhóm, phát triển sản phẩm, quản trị tài chính,…cho đến gọi vốn. Chưa kể, startup là một quá trình tiềm ẩn rủi ro mà số lượng thành công luôn quá ít so với phần con lại. Trên thế giới, có đến 92% startup thất bại, trong đó 75% từng nhận vốn đầu tư. Ở Việt Nam chưa có thống kê nhưng với các startup từng nhận vốn Pre A, xác suất thất bại vẫn rất cao.

Để đứng vững trong 5 năm đầu tiên, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp đều phải trải qua những giai đoạn thử thách khắc nghiệt về niềm tin và sức chị đựng. Như thương hiệu thời trang Melya, trong năm đầu tiên, họ đã “đốt” khoảng 1,5 tỷ đồng cho những lần thử sai, trước khi tìm được công thức phát triển hiện nay là hướng vào nhóm khách hàng cao cấp với các sản phẩm tôn dáng, khoe khuyết điểm.

Còn PiHome, các nhà đồng sáng lập cũng từng đau đầu với câu chuyện tìm kiếm nhân sự, bởi tại Việt Nam, phần mềm là ngành vốn phải đối diện với tình trạng thiếu người trong vài năm gần đây. Chưa kể nguồn vốn startup luôn eo hẹp để sẵn sàng chi mạnh và mời những người giỏi về cùng hợp tác.

Bất chấp điều có, cả hai nhà đồng sáng lập startup đều chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, cả chị Hoài Thanh và chị Minh Thu đều tìm được chỗ dựa từ gia đình là chồng và con cái.

Anh Bá Thìn và chị Hoài Thanh, những người sáng lập PiHome.

Chị Hoài Thanh tiết lộ trong giai đoạn trước và sau khi chị sinh bé, chị luôn có sự ủng hộ từ chồng mình là anh Trần Bá Thìn. Cả hai chủ động rời văn phòng công ty về gần nhà để tiện vừa làm việc vừa chăm sóc con cái. Cho đến khi em bé cứng cáp và đi nhà trẻ, PiHome mới chuyển văn phòng sang khu mới. Trong khởi nghiệp chị san sẻ, hỗ trợ cùng anh thì về nhà, anh lại cùng chị chăm sóc em bé. Họ không phân biệt đâu là việc của đàn ông hay đâu là việc của phụ nữ.

“Kể cả hai vợ chồng có khởi nghiệp cùng nhau hay không thì vai trò của người chồng rất quan trọng. Cuộc sống bình thường vốn đã có những giai đoạn mệt mỏi, nhưng khi làm khởi nghiệp, sự mệt mỏi áp lực ấy còn nhân lên nhiều lần. Tôi nghĩ cả hai phía cần động viên, san sẻ với nhau, không chỉ là làm việc chung nên mới như vậy. Chúng tôi đi đến bây giờ có lẽ là do cả hai cùng biết chia sẻ và cảm thông với nhau, cả trong công việc lẫn trong cuộc sống”, chị Hoài Thanh nhìn nhận, khi mối quan hệ cộng sự của họ đã bước sang năm thứ 11 và cuộc hôn nhân của hai anh chị đã được 6 năm.

Trong khi đó, chị Minh Thu cũng không ngại ngần tiết lộ điều làm chị hạnh phúc nhất trên hành trình khởi nghiệp chính là luôn có sự thấu hiểu, đồng có hành từ anh Cao Tiến Thành.  “Mình rất may mắn vì có một người chồng tuyệt vời, vừa là người bạn đời yêu vợ thương con, vừa là người thầy cao quý mà ông trời ban cho mình”, chị Minh Thu không giấu được cảm giác tự hào khi chia sẻ về chồng mình, cũng là người đang giữ vị trí CEO thương hiệu thời trang Melya với chuỗi 26 cửa hàng trên khắp cả nước.

Dù mỗi startup hoạt động trong lĩnh vực khác nhau và có quá trình phát triển khác nhau, nhưng cả hai nữ đồng sáng lập đều đồng ý rằng con cái là động lực của họ trên hành trình khởi nghiệp, chứ không bao giờ là gánh nặng.

“Mỗi khi đi làm dù có lúc mệt mỏi, áp lực đến đâu, thì khi về nhà được nhìn thấy các con là mọi muộn phiền của mình đều tan biến hết. Hơn nữa có rất nhiều nữ tướng họ có cả gia đình hạnh phúc, con cái tài giỏi mà sự nghiệp cũng lừng danh. Nên mình thấy vấn đề ở đây là người phụ nữ có dám nghĩ, dám làm hay không mà thôi”, chị Minh Thu khẳng định.

Trong khi đó, chị Hoài Thanh thừa nhận con cái là gạch nối cần thiết để giúp chị cân bằng giữa công việc và cuộc sống: “Tận hưởng giây phút bên con cái khiến mình hoàn toàn quên đi mệt mỏi của công việc. Thậm chí em bé giúp mình có thêm năng lượng để tiếp tục hành trình và là động lực để vượt qua khó khăn của quá trình khởi nghiệp”.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều phụ nữ đã có gia đình, con cái nhưng vẫn quyêt tâm dấn thân vào con đường khởi nghiệp, theo các chị đó là quyết định dũng cảm hay mạo hiểm?
Chị Minh Thu: Theo mình đó là quyết định dũng cảm. Dũng cảm để vượt qua sự khó khăn khi phải làm sao chu toàn được giữa công việc và gia đình. Dũng cảm khởi nghiệp để thể hiện được tiếng nói của mình trong gia đình, để tự chủ về tài chính và để khẳng định bản thân.
Chị Hoài Thanh: Mình nghĩ không chỉ khởi nghiệp mà trong bất cứ ngành nghề nào, ví dụ như kinh doanh online, đã làm thì đều phải đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết vào đó rất nhiều. Phụ nữ bước chân vào một hành trình mới, họ sẽ phải đối diện với nhiều áp lực khác nhau, và mình thấy nhiều bạn mình khi gặp khó khăn quá sức chịu đựng, người ta sẽ từ bỏ. Mình chỉ nghĩ tại thời điểm chúng ta quyết định bỏ cuộc, hãy nghĩ về lý do bắt đầu.

Với những người phụ nữ khởi nghiệp, đòi hỏi họ vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà” có phải là một yêu cầu quá sức và rập khuôn hay không?
Chị Minh Thu: Mình không nghĩ như vậy, bởi có rất nhiều doanh nhân nữ vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Bởi khi người phụ nữ đã dám nghĩ dám làm thì họ sẽ có cách để cân bằng giữa 2 việc đó.
Chị Hoài Thanh: Mình nghĩ tùy vào quan niệm mỗi người thôi. Như mình không phải là tuýp phụ nữ “đảm việc nhà”, mình biết điểm yếu của mình chỗ nào để tìm cách khắc phục, ví dụ sống kiểu tối giản hơn. Hay với con cái, mình cũng không đặt kỳ vọng quá cao mà tùy thuộc vào khả năng phát triển của bé thôi. Với mỗi người, mỗi thế hệ, chữ “đảm” lại khác nhau nên quan trọng là biết khả năng bản thân tới đâu; đừng đặt kỳ vọng quá cao thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tin liên quan
Tin khác