Đó là nội dung chính được UBND tỉnh Phú Yên vừa đưa ra tại buổi Hội nghị thường kỳ tháng 4/2020 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong tháng 4 và chương trình công tác tháng 5/2020 cuat tỉnh này.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Phú Yên đã thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản điều hành điều tiết nền kinh tế theo chỉ đạo của Trung ương. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Phú Yên chưa xuất hiện ca nhiễm bệnh Covid-19 nào. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong tháng 4/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ.
Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 8.430 tấn, giảm 0,96% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.426,4 tỷ đồng, giảm 12,94%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.983 tỷ đồng, giảm 26,34%, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 10.552 tỷ đồng, giảm 3,82% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 11,75 triệu USD, giảm 15,53%...
Một trong những lịch vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 là ngành du lịch – tổng doanh thu trong hoạt động du lịch hơn 346 tỷ đồng, giảm 41,98%; lũy kế 4 tháng đầu năm, đã thu hút khoảng 365.503 lượt khách du lịch, giảm 31,98%... Tiếp đến là ngành vận tải, doanh thu hoạt động vận tải giảm 45,9%, lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 876,4 tỷ đồng, giảm 27,7% so cùng kỳ.
Một trong những lịch vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 là ngành du lịch – tổng doanh thu trong hoạt động du lịch hơn 346 tỷ đồng... |
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4/2020 dự ước đạt 400 tỷ đồng, giảm 44,3%; lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 1.567 tỷ đồng, giảm 25,5%, đạt 17,4% so dự toán tỉnh giao.
Với hi vọng vào sự hồi phục nhanh, PCI 2019 tỉnh Phú Yên tăng 8 bậc, tạo động lực để các ngành, các cấp của tỉnh quyết tâm đưa ra các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, vực dậy nền kinh tế, chú trọng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội song song với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do Covid-19 gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương chia sẻ, ý nghĩa của năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ (2015-2020), cũng là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, do vậy các cấp, các ngành cần tập trung quyết liệt hơn nữa, có giải pháp cụ thể đối với ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, nhất là ngành nông nghiệp và du lịch, đây là những ngành chủ lực, mũi nhọn của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, có giải pháp quyết liệt nâng số lượng giải quyết hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 và thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, PAPI trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường đầu tư cởi mở, lành mạnh để thu hút đầu tư vào tỉnh, đặc biệt thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án ngoài ngân sách đã có chủ trương đầu tư. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án hoàn tất thủ tục để khởi công mới và các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm chào mừng Đại hội Đảng Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Bên cạnh đó, các sở ban ngành cũng phải khẩn trương thực hiện các chính sách đối với người có công và triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, đảm bảo các đối tượng nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian sớm nhất…