Mũi Đại Lãnh, nơi đón ánh dương sớm nhất của dải đất hình chữ S. Đại Lãnh như mũi tàu của gã ngư phủ vươn mình ra biển, những vách đá sừng sững hiên ngang đứng trên ngọn những con sóng bạc. Đến Đại Lãnh, du khách sẽ có được trải nghiệm cảm giác mênh mông của biển cả và chự cheo leo của vách đá, đôi khi hơi ớn lạnh cho những người sợ độ cao | ||
Ngọn hải đăng Đại Lãnh là điểm du lịch 3 trong 1 của Phú Yên. Du khách vừa có thể thỏa mãn ước nguyện “check in” ở điểm cực đông của Tổ quốc, vừa thử cảm giác chênh vênh bên vách đá Đại Lãnh, hoặc thả mình dưới dòng nước mát của Bãi Môn | ||
Nằm ngay dưới chân ngọn hải đăng Đại Lãnh, Bãi Môn trong vắt màu nước bên bãi cát trắng nguyên sơ, điểm thú vị của bãi Môn chính là dòng nước ngọt chảy từ trên núi uốn lượn quanh bãi cát và chảy thẳng ra biển. Đây là địa điểm cắm trại không thể bỏ qua cho những người thích du lịch | ||
Núi Đá Bia là “linh vật” của người dân Phú Yên. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh đánh giặc, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt (Việt Nam ngày nay) tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia. Đứng trên đỉnh núi với độ cao 704m, vào ngày trời quang, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ Vịnh Vũng Rô, Thành phố Tuy Hòa và một phần tỉnh Khánh Hòa | ||
Vịnh Xuân Đài nằm giữa mênh mông sóng nước, trời mây bình yên xanh thẳm một màu với những dãy đá núi bao quanh. Vịnh Xuân Đài giữ trong lòng những câu chuyện lịch sử như dấu ấn trận thủy chiến của quân Tây Sơn với nhà Nguyễn. Trước kia, Vịnh từng nằm giữa thủ phủ của tỉnh Phú Yên trong một thời gian dài và từng là một trung tâm thương mại sầm uất | ||
Gành Đá Đĩa nằm cách thành phố Tuy Hòa 30km. Ghềnh Đá Đĩa rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200 m, là một trong những danh thắng tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên. Từ trên cao, có thể nhìn thấy khu ghềnh lấn biển với những khối đá mặt hình lục giác, gắn chặt với nhau tựa miếng sáp ong khổng lồ, đều đặn, tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng. Khu ghềnh đặc biệt này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dòng dung nham nóng gặp nước biển lạnh đông cứng lại, toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều, tạo nên cảnh quan kỳ thú | ||
Bãi Xép là một trong những viên ngọc trong chuỗi bãi biển đẹp hoang sơ của Phú Yên. Cát vàng óng chải đều dưới chân, phía trên là vách đá uy nghi. Bãi tắm thoải và khá nông, phù hợp cho nhiều lứa tuổi có thể thả mình dưới những con sóng nhẹ | ||
Bãi biển Long Thủy nằm ở phía Bắc Thành phố Tuy Hòa. Điểm đặc biệt của bãi tắm này là nằm núp sau những rặng dừa của xã An Phú, cách bãi tắm hơn 1km ra ngoài biển là hai hòn đảo, hòn Chùa và hòn Yến. Bãi tắm này ẩn mình trong làng, nên đến giờ nó vẫn mang tính chất địa phương hơn và chưa được nhiều du khách biết tới | ||
Khi du khách đã thỏa chí với những cơn sóng biển, thì có thể lên núi Nhạn - nơi có ngọn tháp Nhạn được người Chăm xây dựng từ thế kỷ 11. Tại đây, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, hoặc thảnh thơi hóng những cơn gió biển dịu mát của vùng đất Phú Yên hiền hòa, trù phú |
Đức Thanh