Kiệt quệ sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đang rất cần vốn để đầu tư phục hồi sản xuất. Ảnh: Đức Thanh |
Đại dịch Covid-19 đã diễn biến theo chiều hướng xấu hơn ở một số nơi trên thế giới, bao gồm cả ở châu Á. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 5,9% trong năm nay và 4,9% vào năm 2022. Đặc biệt, triển vọng châu Á năm 2021 đã bị hạ hơn 1%, xuống 6,5% so với dự báo vào tháng 4/2021 vì đợt bùng phát Covid-19 mới.
Khi tỷ lệ tiêm chủng được đẩy nhanh, kinh tế năm 2022 của khu vực này dự kiến tăng trưởng nhanh hơn một chút so với dự đoán trước đây. Tăng trưởng chung toàn cầu dự kiến vẫn hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, mặc dù sự phục hồi toàn cầu đi kèm với giá hàng hóa và chi phí sản xuất tăng.
Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trong năm nay. Chính phủ đã phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt và rất nỗ lực triển khai tiêm chủng cho người dân, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Cho đến nay, hầu hết những người dân trưởng thành đã được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên và hơn 50% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi. Những nỗ lực không ngừng trong việc tiêm chủng cho người dân là rất quan trọng để bình thường hóa hoạt động kinh tế hơn nữa.
Tác động lớn
Đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ gia đình và doanh nghiệp. Lao động, việc làm đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua và hiện có tình trạng thiếu lao động trong các ngành sản xuất, chế biến - chế tạo xuất tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, do người lao động đã về quê.
Bất bình đẳng và tính nhị nguyên của nền kinh tế (economic dualism) có thể trở nên trầm trọng hơn khi các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực tiếp xúc nhiều bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các hộ gia đình có thu nhập cao hơn và các doanh nghiệp lớn vẫn có khả năng phục hồi.
Song nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng. Sự phục hồi nhẹ dự kiến bắt đầu từ quý IV/2021 và dần dần phục hồi mạnh hơn trong năm 2022, khi tiêm chủng được đẩy mạnh và các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp thích nghi hơn với việc sống chung với Covid-19.
Nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức 2-2,5% trong năm 2021 và 6,6% năm 2022, trong khi lạm phát được dự báo dưới mức mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, rủi ro suy giảm tăng trưởng đang gia tăng, trong khi áp lực lạm phát cũng có thể gia tăng.
Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm thiểu suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra. Chính sách tiền tệ được điều chỉnh một cách phù hợp và cần tiếp tục cảnh giác với áp lực lạm phát. Cần thắt chặt chính sách tiền tệ, nếu áp lực lạm phát trở thành mối quan ngại.
Chính sách tài chính cần tiếp tục cân đối giữa hỗ trợ nền kinh tế và bảo đảm sự ổn định tài chính.
Cần tạo điều kiện thuận lợi để các các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính. Những hỗ trợ đặc biệt cần được bỏ dần nhằm hạn chế những rủi ro nảy sinh do tăng cho vay rủi ro hơn. Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ chất lượng tài sản, đặc biệt là việc gia tăng nợ xấu, gồm cả các khoản nợ tái cơ cấu, đồng thời cần khuyến khích các ngân hàng trích lập dự phòng phù hợp với việc phân loại tài sản.
Việt Nam cũng đã tăng cường hỗ trợ tài chính phù hợp cho y tế, hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ gia đình và hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp.
Khuyến nghị
Trong tương lai, chính sách tài khóa có thể đóng vai trò tốt hơn. Chính phủ đang thảo luận Kế hoạch Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch này có thể tạo cơ hội để phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong trung hạn.
Tuy nhiên, cần tính toán, cân nhắc các chính sách một cách cẩn trọng, có mục tiêu, được phối hợp tốt và truyền thông để hỗ trợ quá trình phục hồi xanh, bao trùm và bền vững. Các gói hỗ trợ tài khóa cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào các biện pháp thuế, như giãn, hoãn thuế. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, việc áp dụng các biện pháp này thường bị hạn chế, một phần do lợi nhuận của doanh nghiệp thấp. Các biện pháp như tạm thời chuyển lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp sang năm trước có thể phù hợp hơn để cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cần tăng chi ngân sách để hỗ trợ sự phục hồi, như tăng chi cho y tế, quan trọng là vắc-xin, tăng cường năng lực của các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) và trang thiết bị y tế. Cần chi nhiều hơn để đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế khi đối mặt với các đợt bùng phát dịch mới.
Cần hỗ trợ tiền mặt có mục tiêu hơn, hướng tới các hộ gia đình có thu nhập thấp và những người lao động tự do và để giúp những người lao động di cư quay trở lại làm việc.
Đồng thời, tăng cường đầu tư công vào các dự án kết cấu hạ tầng, hạ tầng số và hạ tầng xanh để thúc đẩy cầu và tăng trưởng tiềm năng, song cần nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Khi nền kinh tế chuyển từ phòng chống dịch sang phục hồi, các biện pháp tài khóa nên chuyển dần từ hỗ trợ thanh khoản trên diện rộng sang đầu tư hiệu quả hơn, từ hỗ trợ bằng tiền tạm thời sang mở rộng lâu dài mạng lưới an sinh xã hội, đồng thời bảo vệ tính bền vững tài khóa. Các biện pháp kích thích nên có thời hạn và cần có chiến lược thoái lui rõ ràng để giảm thiểu rủi ro tài khóa.
Cải cách cơ cấu là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam, trong khi đảm bảo tăng trưởng bền vững sau đại dịch. Việc lấy lại đà tăng trưởng trong trung hạn đòi hỏi những nỗ lực quyết đoán hơn, nhằm giải quyết các tổn thất, những “vết sẹo” đối với nền kinh tế và thúc đẩy tăng năng suất. Cần cải thiện sự năng động của các doanh nghiệp và tăng cường đầu tư vào nguồn vốn con người, giảm bớt khoảng cách/sự không phù hợp về kỹ năng lao động.
Thúc đẩy những tiến bộ đạt được trong chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên được hỗ trợ bởi việc tăng cường đầu tư vào kết hạ tầng, nguồn nhân lực, các khung khổ pháp lý và quy định phù hợp.