Doanh thu, lợi nhuận giảm
Kết thúc nửa đầu năm 2021, báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) cho biết, doanh thu đạt 5.670,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 335,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 35,3% và 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ doanh thu, lợi nhuận giảm, dòng tiền kinh doanh của PTSC cũng âm 1.723,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, khiến nguồn tiền, tiền gửi các loại tiếp tục sụt giảm. Trước đó, dòng tiền kinh doanh chính của PTSC cũng đã âm 679,6 tỷ đồng trong năm 2020.
Nguyên nhân doanh thu của PTSC sụt giảm do sự đình trệ trong các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí và đấu thầu hợp đồng mới. Trong đó, doanh thu mảng cơ khí và xây dựng đạt 2.944 tỷ đồng, giảm 30,9% so với nửa đầu năm 2020. Doanh thu mảng cung ứng kho nổi FSO/FPSO cũng giảm 47%, xuống 1.123,2 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, đà tăng tích cực của giá dầu trong suốt nửa đầu năm nay đã giúp biên lợi nhuận gộp của tất cả các phân khúc được cải thiện, biên lợi nhuận hợp nhất của Tổng công ty đạt 7,36%, tăng 2,37 điểm phần trăm so với nửa đầu năm 2020, giúp lợi nhuận gộp đạt 417,4 tỷ đồng, chỉ giảm 4,5% về giá trị. Trong đó lĩnh vực căn cứ cảng và FSO/FPSO có biên lợi nhuận gộp cải thiện tốt nhất.
Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty vẫn giảm mạnh do chi phí quản lý tăng 79,8% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2021.
Lợi nhuận sụt giảm, trong khi nhu cầu vốn lưu động tăng do phần chiếm dụng vốn qua các khoản phải trả giảm đến 1.866 tỷ đồng, vượt trội so với mức giảm tại các khoản mục tồn kho, phải thu, dẫn đến dòng tiền kinh doanh âm, Tổng công ty phải bù đắp bằng việc giảm 487 tỷ đồng các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng, số dư tiền và tương đương tiền các loại cũng giảm gần 800 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Ban lãnh đạo PTSC khá thận trọng với kế hoạch năm nay khi đánh giá tình hình kinh doanh khó khăn bởi tiến độ đấu thầu hợp đồng khá chậm, trong khi tác động tích cực của giá dầu cao hơn có độ trễ. Theo đó, PTSC đặt kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng, lần lượt giảm 53% và 21% so với thực hiện trong năm 2020.
Kỳ vọng tác động tích cực từ giá dầu
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường dầu khí thế giới đã hồi phục mạnh mẽ về giá nhờ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng được tiếp tục và nhu cầu tiêu thụ dầu được hồi phục. Trong Báo cáo năng lượng ngắn hạn tháng 8/2021, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức 72 USD/thùng trong nửa cuối năm 2021. Giá dầu WTI dự kiến giữ ở mức 69 USD/thùng. EIA dự báo giá dầu Brent giao ngay trung bình là 68,71 USD/thùng trong năm nay và 66,04 USD/thùng trong năm 2022.
Với giá dầu quanh mức 70 USD, bộ phận phân tích của Công ty VCBS đánh giá đã vượt chi phí hòa vốn của hầu hết các cường quốc dầu mỏ trên thế giới. Đặc biệt tại những quốc gia có nguồn thu chính từ buôn bán dầu mỏ như Quatar, Brunei..., khi thị trường tích cực, các dự án được tái khởi động nhanh trở lại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dầu khí nói chung, PTSC nói riêng khi đây cũng là những quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập và hiện có dự án.
Tại mảng cơ khí và xây dựng, trong quý II/2021, Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) đơn vị trực thuộc của PTSC đã hoàn tất ký hợp đồng tổng thầu EPCI, Dự án Gallaf - giai đoạn III, gói 05 của North Oil Company (NOC). Đây là dự thuộc mỏ Al-Shaheen-mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Tại thị trường trong nước, dù đang ở giai đoạn khó khăn khi nhiều dự án lớn bị đình trệ, chậm triển khai, nhưng trong bối cảnh sản lượng từ nhiều mỏ hiện hữu ngày càng cạn dần, việc các dự án mới như dự án Lô B, Cá voi xanh, Sư tử trắng GĐ 2, Nam Du U Minh, LNG Sơn Mỹ… kỳ vọng sớm đẩy nhanh tiến độ sẽ tạo nguồn việc làm dồi dào cho Tổng công ty trong thời gian tới và giúp hầu hết các mảng kinh doanh như căn cứ cảng dầu khí, hoạt động của đội tàu dịch vụ kỹ thuật và đặc biệt là mảng vận hành, bảo dưỡng hưởng lợi.
Trong dài hạn, PTSC còn được đánh giá có triển vọng từ các dự án điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với các dự án điện gió ngoài khơi, nơi Tổng công ty có lợi thế về đội ngũ xây lắp công trình và dàn nhân lực kỹ thuật lắp đặt.
Đối với hoạt động của các liên doanh FSO/FPSO vốn là nguồn đóng góp lợi nhuận quan trọng với trung bình 53% lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2016-2020, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, hoạt động kinh doanh tiếp tục thuận lợi và tăng tỷ trọng đóng góp vào kết quả kinh doanh của Tổng công ty nhờ vào việc giá dầu dự kiến cao hơn thể kéo theo sự tăng lên của giá thuê tàu và sự đóng góp của FSO Golden Star sau khi đi vào hoạt động từ cuối năm 2020.