Doanh nghiệp
PTSC vươn ra thị trường ngoại
Hoàng Minh - 30/08/2015 10:43
Lễ hạ thủy khối thượng tầng giàn khai thác Maharaja Lela Jamalulalam 3 (MLJ3) được thực hiện giữa tháng 8 vừa qua đã tiếp thêm động lực cho kế hoạch vươn xa trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) thuộc Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC).

Gói thầu đóng giàn khai thác MLJ3 thuộc Dự án Maharaja Lela South của chủ đầu tư Total E&P Borneo B.V (Tập đoàn Total, Pháp) tại Brunei là một trong những dự án quốc tế mà PTSC M&C chiến thắng trước các nhà thầu đến từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Sau hơn 12 tháng thực hiện toàn bộ công việc thiết kế, mua sắm và chế tạo, với hơn 1,8 triệu giờ thi công an toàn tuyệt đối, đến nay, khối thượng tầng đã được chế tạo hoàn tất và hạ thủy thành công; đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và tiến độ khắt khe của chủ đầu tư. Tới tháng 9/2015, lực lượng của PTSC M&C sẽ sang Brunei để thực hiện công tác đấu nối và chạy thử ngoài khơi, hoàn tất giàn khai thác, sẵn sàng cho việc đón dòng khí đầu tiên của chủ đầu tư.

Dịch vụ dầu khí trên biển của PTSC

 

Hình thức gói thầu là EPCI - thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử cho toàn bộ giàn khai thác MLJ3, với khối thượng tầng (topsides) nặng xấp xỉ 1.500 tấn được triển khai tại bãi thi công của PTSC M&C tại Vũng Tàu và chân đế (jacket) khoảng 2.350 tấn tại bãi thi công Muara, Brunei. Đặc biệt, phần thiết kế cho khối thượng tầng đã được thực hiện toàn bộ tại văn phòng PTSC M&C tại Vũng Tàu, bởi 100% kỹ sư thiết kế người Việt Nam.

Ông Dương Trường Sơn, Phó trưởng phòng Phát triển kinh doanh của PTSC M&C cho hay, kể từ khi thành lập vào năm 2001, đơn vị đã thực hiện được 50 dự án, trong đó có tới 30 dự án được triển khai với hình thức EPCI. Nếu năm 2001, các đơn hàng chế tạo chỉ là các hạng mục kết cấu đơn thuần thì sau tiến dần lên các hạng mục phức tạp và đảm nhiệm được toàn bộ gói thầu.

Ghi dấu ấn cho sự phát triển lĩnh vực cơ khí của PTSC M&C là sự kiện cuối năm 2005, khi được mời tham gia đấu thầu quốc tế Dự án Bunga Tulip A, Công ty đã thắng 5 nhà thầu khác để giành hợp đồng. Đây là lúc PTSC M&C phải tìm tòi các biện pháp thi công để có chi phí tối ưu nhất, tự khẳng định mình trước khách hàng và thị trường.

Giữa năm 2007, PTSC M&C lại thắng thầu Dự án Sư tử đen Đông Bắc và bắt đầu thời hoàng kim với hàng loạt dự án tầm cỡ quốc tế có độ khó về kỹ thuật, giá trị kinh tế cao. Nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí này đã hoàn thành Dự án Phát triển mỏ Chim sáo của Công ty Premier Oil, Dự án Tê giác trắng của HLJOC, hay Dự án Biển Đông 1 trị giá hơn 500 triệu ISD, với yêu cầu thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, đấu nối và chạy thử 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, chân đế và cọc 16.000 tấn, một giàn đầu giếng 2.640 tấn.

Sau những thành công tại các dự án quan trọng và kỹ thuật phức tạp, Dự án Xây dựng Giàn công nghệ Heera (HRD) nằm trong Dự án Phát triển mỏ Heera của chủ đầu tư ONGC ở mực nước sâu trung bình là 50 m, cách 70 km về hướng Tây Nam của TP. Mumbai (Ấn Độ) tiếp tục khẳng định vị thế của dịch vụ dầu khí Việt Nam trên thị trường dịch vụ dầu khí quốc tế.

Điểm yếu chưa đủ năng lực để thực hiện thiết kế chi tiết trong thời gian đầu tham gia các dự án quốc tế khiến PTSC và PTSC M&C phải thuê nhà thầu phụ nước ngoài đã nhanh chóng được khắc phục cùng tinh thần quyết tâm học hỏi từ chính các nhà thầu phụ làm thuê cho mình.

Theo các lãnh đạo PTSC, việc thực hiện công tác thiết kế chi tiết tại Việt Nam đã mang lại những lợi ích to lớn cho lĩnh vực cơ khí nói chung và cơ khí chế tạo dầu khí nói riêng. Đó là tiến độ thực hiện các dự án không còn bị động và phụ thuộc như trước.

Bằng nguồn lực thực hiện và giám sát tại chỗ, PTSC M&C có thể kiểm soát được các sai sót, kiểm soát các thay đổi và khắc phục ngay trong văn phòng bãi thi công, nên hoàn toàn làm chủ được tiến độ. Nếu như trước đây thi công một chân đế (jacket) lớn như của Dự án Sư Tử Nâu phải mất 10-11 tháng, thì nay chỉ còn khoảng 5 tháng; thi công khối thượng tầng (topside) trước đây từ 16-18 tháng, nay có thể rút xuống chỉ còn 9-10 tháng.

Việc chủ động được thiết kế cũng giúp tiết giảm chi phí đáng kể nhờ giảm được việc phải điều động hàng chục cán bộ quản lý dự án, chuyên viên, kỹ sư sang giám sát, thực hiện công việc thiết kế, mua sắm ở nước ngoài. Việc mua sai, mua thiếu, làm sai, chi phí phát sinh... được hạn chế ở mức thấp nhất, hao phí trong thi công được giảm thiểu tối đa.

Đây cũng là cơ sở để nhà thầu Việt Nam vẫn giữ được mức giá nhận thầu không tăng, thậm chí còn giảm giá đáng kể so với các dự án trước kia, tạo dựng một thế đứng vững chắc để tiếp tục đấu thầu cạnh tranh và thắng thầu các dự án nước ngoài. Nỗ lực vươn lên tự thân ấy chính là lực đẩy đưa con tàu PTSC và PTSC M&C bình tĩnh ra khơi, chinh phục những thử thách mới.

Tin liên quan
Tin khác