PV Gas vừa ra thông báo chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền, với tỷ lệ chi trả 30%, cổ đông sẽ nhận về 3.000 đồng/cổ phiếu. Ngày chi trả dự kiến là 6/10/2021.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) hiện sở hữu hơn 1,8 tỷ cổ phiếu GAS, tương ứng 95,8% vốn và sẽ nhận về xấp xỉ 5.500 tỷ đồng cổ tức từ PV Gas trong đợt này.
Về hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Sinh Khang, Chủ tịch HĐQT PV GAS cho biết, Tổng công ty đang cung cấp khí đầu vào để sản xuất gần 20% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm toàn quốc và đáp ứng trên 65% sản lượng LPG cả nước.
Vị này đánh giá, trong năm nay cũng như chặng đường phía trước của PV GAS sẽ còn nhiều khó khăn về sự hữu hạn của trữ lượng khí nội địa, cơ chế chính sách trong lĩnh vực khí.
Cùng với đó là thách thức về việc triển khai các dự án lớn, phức tạp, có nhu cầu vốn lớn và các hệ thống khí hoạt động đã lâu, đòi hỏi tăng các chi phí bảo dưỡng sửa chữa…
Bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí (Nguồn: PV Gas). |
Hiện, PV GAS đã ký kết hợp đồng khung mua bán LNG ( MSA - MasterSales Agreement) với hai nhà cung cấp là Shell Singapore và Gazprom Marketing and Trading Singapore (GMTS) để có thể cung cấp các chuyến hàng LNG giao ngay khi PV GAS có nhu cầu.
Các chuyến hàng giao ngay thông thường được các nhà nhập khẩu/người mua LNG huy động trong thời gian chạy thử kho cảng nhập khẩu LNG hoặc khi phát sinh nhu cầu đột biến theo mùa từ các khách hàng tiêu thụ LNG.
Với các hợp đồng MSA, PV GAS sẽ phải linh hoạt bổ sung thêm nguồn hàng LNG khi có nhu cầu thông qua việc phát yêu cầu chào mua đến các nhà cung cấp LNG.
Ghi nhận thông qua thống kê các giao dịch mua bán LNG giao ngay và ngắn hạn trong vòng 5 năm qua cho thấy, tổng khối lượng LNG giao dịch thông qua hình thức này tăng dần hàng năm và hiện đang chiếm tỷ trọng 30% tổng khối lượng LNG giao dịch trên thị trường.
Do vậy, ban lãnh đạo công ty cho biết trong thờigian tới, PV GAS sẽ tiếp tục ký kết các hợp đồng MSA với các nhà cung cấp LNG, tăng số lượng lên từ 20 - 30 MSA để tăng tính cạnh tranh và linh hoạt trong việc thu xếp các chuyến hàng giao ngay.
Ngoài ra, Tổng công ty này còn phải giải quyết thử thách về phát triển thị trường LNG.
Bởi, hiện các mức thuế phí về môi trường, xử lý thải vẫn chưa cao nên các nhà máy điện chạy khí vẫn chưa thực sự cạnh tranh so với các nhà máy chạy nhiên liệu khác như than.
Các khung pháp lý, tiêu chuẩn đối với LNG còn đang trong quá trình hoàn thiện chi tiết nên các bên, đối tác tham gia vào chuỗi giá trị LNG còn gặp khó khăn trong việc triển khai, xin phê duyệt dự án.
Đối với khách hàng công nghiệp, PV GAS đã triển khai các buổi tiếp xúc, hội thảo để giới thiệu về LNG.
Tuy nhiên, LNG là sản phẩm mới nên một số khách hàng vẫn còn băn khoăn về đặc tính, độ an toàn và việc chuyển đổi sang sử dụng sản phẩm này.
Ngoài ra, mỗi chuyến hàng LNG có giá trị lớn và đòi hỏi các điều khoản bảo lãnh phức tạp trong khi đó, độ trễ trong việc thanh toán từ phía khách hàng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh LNG.
Năm 2020, PV Gas ghi nhận tổng doanh thu hơn 65.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8.000 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm nay, PV Gas tiếp tục có tên trong danh sách 22 doanh nghiệp lãi ngàn tỷ, với lợi nhuận sau thuế hơn 2.057 tỷ đồng.
Còn về PetroVietnam, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 ghi nhận tổng doanh thu 227.300 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 15.300 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Sản lượng khai thác dầu, kể cả khai thác dầu ở nước ngoài là điểm sáng trong hoạt động của PetroVietnam với sản lượng khai thác dầu tháng 5 vượt 18% kế hoạch tháng.
Tại cuộc họp nội bộ tổ chức vào đầu tháng 6/2021, ông Hoàng Quốc Vượng Chủ tịch HĐTV PetroVietnam cho biết, thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục thúc đẩy và triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng.
Trong đó, có nhiều dự án lớn, thời gian kéo dài, có ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của các đơn vị sau này. Một số dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt như Lô B, Cá Voi Xanh, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Nhơn trạch 3&4…