Quang cảnh buổi Hội thảo |
Tham dự hội thảo, về phía PVN có ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng Giám đốc, bà Đào Mai Hương, Phó trưởng Ban Thương mại Thị trường, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Điện. Về phía Tập đoàn Sumitomo có ông Yoshihiko Hori, Phó Tổng Giám đốc Năng lượng, ông Yukio Kanazawa, Giám đốc phát triển kinh doanh LNG, cùng nhiều đại diện của Sumitomo tại Singapore và Việt Nam. Về phía PV GAS có các ông Hồ Tùng Vũ, Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Hồng Lĩnh, Phó Tổng Giám đốc cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị liên quan của PV GAS.
Sumitomo là một trong những Tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực kinh doanh dầu khí, đặc biệt là đầu tư kinh doanh LNG trên thế giới và nhập khẩu LNG, bán cho các hộ tiêu thụ trong nước tại Nhật Bản.
Tại buổi Hội thảo, Sumitomo đã trình bày tổng quan về công tác kinh doanh năng lượng của Sumitomo đặc biệt là lĩnh vực LNG, tổng quan về mô hình và cơ chế kinh doanh LNG của các nước khu vực Đông Nam Á và phân tích chuyên sâu về nội dung các Hợp đồng mua bán LNG (Tolling Agreement, SPA).
Sau phần trình bày của Sumitomo cũng như thảo luận của các bên tại Hội thảo, các bên đều bày tỏ mong muốn được hợp tác lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực LNG và dự định sẽ phối hợp để tổ chức buổi Hội thảo thứ hai có sự tham gia của các Bộ ban ngành của Việt Nam vào trung tuần tháng 6 này tại Hà Nội.
Được biết, LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất. LNG có thành phần chủ yếu là methane. Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170.000 m3 đến 260.000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155.000 m3 đến 170.000 m3.
Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị.
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, LNG có thể được chuyên chở bằng xe bồn, tàu hỏa, tàu ven biển có tải trọng từ 2.500 - 12.000 m3 đến những hộ tiêu thụ ở xa đường ống dẫn khí, các thị trường khu vực ven biển, các đảo ngoài khơi.
LNG được mua bán rất phổ biến trên thị trường quốc tế và trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước châu Âu và Bắc Mỹ…
Các nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới thuộc khu vực Trung Đông, Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia), Australia, Nga. Khu vực Đông Bắc Á là thị trường tiêu thụ LNG truyền thống với Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu tấn.
Cùng với việc thành lập Công ty liên danh LNG Việt Nam, PVN và PV GAS kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh LNG trong tương lai, phù hợp với định hướng gia tăng nguồn khí, phát triển xuất nhập khẩu khí tương ứng với nhu cầu khí ngày một tăng tại Việt Nam.