Nhưng với hàng loạt dự án quy mô lớn dự kiến tham gia, doanh nghiệp này không thể bỏ qua bài toán tài chính.
Tham vọng mở rộng công suất
Cập nhật kế hoạch triển khai 2 dự án Nhà máy Điện LNG Nhơn Trạch 3&4 tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 diễn ra mới đây, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, việc khởi công san lấp mặt bằng các dự án này dự kiến thực hiện vào quý I/2021, sớm hơn một quý so với công bố hồi giữa năm. Nếu có thể thực hiện gói thầu EPC vào quý IV/2021, thì thời gian vận hành phát điện thương mại nhà máy 3 sẽ vào cuối năm 2023 và nhà máy 4 vào năm 2024. Với tiến độ như vậy, Nhơn Trạch 3 sẽ là nhà máy điện LNG đầu tiên của Việt Nam đưa vào hoạt động.
PV Power không phải là nhà đầu tư duy nhất mong muốn bước chân vào lĩnh vực này. Liên tục các dự án điện và kho cảng LNG được công bố sau cú hích từ Nghị quyết số 55-NQ/TW ban hành ngày 11/2/2020. Nghị quyết này nêu rõ trọng tâm phát triển hạ tầng LNG ở Việt Nam phục vụ hoạt động nhập khẩu và tiêu thụ, từ đó có thể giảm phụ thuộc vào việc khai thác khí tự nhiên được dự báo đạt đỉnh vào năm 2026.
Hai nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3&4 có tổng mức vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, tổng công suất khoảng 1.300 - 1.760 MW. Còn theo thống kê ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, công suất điện từ các dự án LNG đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã lên tới 15.900 - 16.200 MW.
Người đứng đầu PV Power thừa nhận, nhiệm vụ mà Tổng công ty đảm nhận trong giai đoạn tới là nặng nề, khi phải thực hiện song song 2 công việc là vận hành an toàn và hiệu quả 7 nhà máy điện hiện có và đẩy mạnh đầu tư phát triển để đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.
Ngoài 2 dự án điện LNG tại Nhơn Trạch, PV Power còn hợp tác với Nhật Bản tham gia Dự án LNG Quảng Ninh công suất 1.500 MW mới được đưa vào quy hoạch. Các nhà máy Cà Mau 3, Kho LNG Nam Du, hay tham vọng đầu tư vào điện mặt trời tại mặt hồ, giàn khai thác, mái nhà cũng được đề cập trong kế hoạch giai đoạn 5 năm tới.
Cần chắc chân bài toán tài chính
Lãnh đạo PV Power từng tính toán vốn đầu tư của giai đoạn 2021 - 2025 lên tới 25.000 - 28.000 tỷ đồng. Con số này không nhỏ nếu so với quy mô tổng tài sản 56.778 tỷ đồng, cập nhật đến cuối quý III/2020.
Riêng điện Nhơn Trạch 3&4, vốn tự có mà Tổng công ty cần thu xếp ít nhất là 8.120 tỷ đồng, tương đương 25% tổng mức đầu tư hơn 32.480 tỷ đồng của Dự án. Nguồn vốn còn lại sẽ thu xếp thông qua vay nợ.
Để chuẩn bị nguồn vốn vay cho các dự án Nhơn Trạch 3&4, theo ông Hồ Công Kỳ, PV Power đã thành lập tổ thu xếp vốn từ 2 năm trước. Dù có sự gián đoạn vì Covid-19, nhưng các cuộc họp trực tuyến vẫn được tiến hành và Tổng công ty đã làm việc với hơn 100 ngân hàng.
Hiện PV Power chưa có phương án thu xếp vốn chính thức, nhưng theo dự kiến, sẽ có 600 - 700 triệu USD được vay theo hình thức tín dụng người mua (vay từ tổ chức hỗ trợ cho nhà thầu xuất khẩu thiết bị). Nguồn vốn khác cũng bằng USD là khoản vay thương mại ngân hàng nước ngoài, thông qua một ngân hàng đầu mối. Còn lại là khoản vay bằng nội tệ. PV Power đang nhắm đến nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trường hợp không được, Tổng công ty sẽ vay các ngân hàng thương mại trong nước.
Môi trường lãi suất và tỷ giá hiện tại là những yếu tố thuận lợi khi PV Power bước vào chu kỳ đầu tư mới. Mặt bằng lãi suất đã xuống thấp kỷ lục trong năm nay, trong khi nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa nâng lãi suất điều hành trong năm 2021. Tỷ giá USD năm nay cũng được duy trì ổn định, thậm chí đồng nội tệ còn có khả năng lên giá so với USD.
Tuy nhiên, đảm bảo phương án tài chính không phải là bài toán duy nhất cần giải quyết. Dù về dài hạn, Việt Nam vẫn đối diện với khả năng thiếu hụt điện, song Covid-19 đã trở thành nhân tố kéo tụt nhu cầu tiêu thụ điện, nên việc đảm bảo an toàn đầu ra cũng là thách thức với doanh nghiệp.
Cùng với đó, LNG là loại hàng hóa có giá biến động cao. Hiện tại, giá LNG đang ở vùng thấp trong vòng 10 năm qua và dự kiến tăng giá khi kinh tế phục hồi.
Cũng sẽ có những khó khăn nhất định khi Nhơn Trạch 3 là dự án điện khí LNG tiên phong. Theo bà Bích Ngọc, chuyên gia phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cơ chế “chuyển ngang” chi phí và bao tiêu một phần sản lượng là vấn đề cần được làm rõ trong các văn bản pháp lý. Việc này sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động nhất định cho nhà đầu tư với các dự án trị giá hàng tỷ USD.
Từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch PV Power cam kết với các cổ đông là sẽ chỉ triển khai gói thầu EPC khi phương án tài chính đã rõ ràng, đàm phán xong hợp đồng mua bán khí (GSA) và ít nhất ký được hợp đồng nguyên tắc đối với hợp đồng mua bán điện (PPA).