Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 của PV Power. |
Nhơn Trạch 3 và 4 chưa biết bao giờ khởi công
Theo ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT của PV Power, doanh nghiệp đang chuẩn bị 3 dự án điện lớn là Nhơn Trạch 3, Nhơn trạch 4 và Luang Prabang.
Trong đó, hai dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đã được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư và thông qua báo cáo tiền khả thi. Hiện doanh nghiệp tiến hành tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS).
“Mục tiêu là trong năm 2019 sẽ hoàn tất báo cáo này để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và trình Đại hội đồng cổ đông. Chúng tôi kỳ vọng Dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ đi vào vận hành lần đầu vào cuối năm 2022 và vận hành thương mại vào cuối năm 2023”, ông Kỳ cho biết.
Dẫu vậy, mục tiêu mà PV Power đưa ra như trên cũng được xem là đầy tham vọng. Theo Báo cáo số 58/BC-BCT ngày 4/6 của Bộ Công thương, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hai dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 có quy mô công suất 750 MW/nhà máy từng được lên kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 - 2021, nhưng hiện đã là giữa năm 2019 vẫn chưa có hoạt động nào trên thực địa. Hiện tại, mốc tiến độ được đặt ra cho 2 dự án này là năm 2023 - 2024.
Theo kinh nghiệm từ các chuyên gia trong việc triển khai xây dựng các dự án điện thì nhanh nhất kể từ khi được khởi công cũng mất 3,5 năm để hoàn tất xây dựng. Tuy nhiên, hiện dự án Nhơn Trạch 3 và 4 vẫn chưa biết bao giờ sẽ khởi công.
Thách thức lớn nhất được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt FS của 2 dự án chính là giá điện.
Theo Báo cáo số 58/BC-BCT, sau năm 2022, khu vực Đông Nam bộ sẽ thiếu khí và bắt buộc phải bù bằng LNG. Như vậy, hai dự án Nhơn Trạch 3 và 4 nằm ở Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng về nguồn cấp khí đầu vào.
Tuy nhiên, việc sử dụng LNG khiến giá bán điện sẽ không dưới 2.500 đồng/kWh, nên nếu giá bán lẻ điện bình quân đang ở mức 1.864 đồng/kWh hiện nay không được tăng lên để các nhà sản xuất và cung ứng điện đủ bù đắp các chi phí, thì việc triển khai dự án Nhơn trạch 3 và 4 không dễ đẩy nhanh tiến độ.
Một thách thức khác cũng không dễ vượt qua đối với các dự án điện hiện nay chính là việc không được bảo lãnh của Chính phủ để vay vốn. Với quy mô tổng công suất lên tới 1.500 MW cho 2 dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4, vốn đầu tư cũng cần khoảng 3 tỷ USD. Như vậy, nhu cầu vay vốn từ 1,5 - 2 tỷ USD, nếu không được bảo lãnh của Chính phủ, thì sẽ không dễ dàng thu xếp vốn với chi phí hợp lý, để từ đó giảm được giá thành điện.
Luang Prabang chờ cơ chế
Theo ông Kỳ, hiện Chính phủ đã giao PV Power làm Dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào. Tuy nhiên, để triển khai Dự án này, PV Power sẽ phải xây dựng cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ và có thể phải xin ý kiến Quốc hội.
Vẫn theo PV Power, Dự án thủy điện Luang Prabang có quy mô khoảng 1.200 MW, được xây dựng trên dòng sông Mekong sẽ cần khoảng 8-10 năm để đầu tư. Hiện tại có 2 phương án đang được nghiên cứu là bán điện về Việt Nam với khoảng cách truyền tải 500 km về đấu nối vào trạm 500 kV ở Hoà Bình. Theo phương án này, quy mô đầu tư ước tính là 4,2 tỷ USD. Còn với phương án bán điện sang Thái Lan thì quy mô đầu tư chỉ là 3,8 tỷ USD.
Trong dự án này, PV Power sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%.
“Hiệu quả của dự án phụ thuộc vào giá bán điện, nếu giá là 9,38 UScent/kWh và tỷ suất hoàn vốn (IRR) là 9% thì dự án tốt. Tuy nhiên, mức giá bán điện lại quá cao so với khung giá điện Việt Nam đang bán ra. Quan điểm của PV Power là không hiệu quả sẽ không đầu tư”, ông Kỳ cho biết.
Cũng cần nói thêm là Dự án thủy điện Luang Prabang đã từng được giao cho ngành dầu khí mà nòng cốt thực hiện là PV Power đầu tư từ năm 2007, với kỳ vọng tới năm 2015 sẽ vận hành. Để chuẩn bị dự án này ở giai đoạn trước đây, PV Power đã tiêu tới cả trăm tỷ đồng, nhưng Dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc phải dừng lại một thời gian dài.