Doanh nghiệp
PVEF nỗ lực hết sức nhưng vẫn rớt top 3 ASEAN
Thanh Hương - 12/06/2015 15:17
Mục tiêu trở thành công ty dầu khí quốc tế thuộc top 3 trong khu vực ASEAN của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) không dễ thành hiện thực.

Ông Đỗ Văn Khạnh, Tổng giám đốc PVEP cho hay, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2000-2015 là xây dựng PVEP trở thành công ty dầu khí quốc tế đứng trong nhóm 3 công ty dầu khí hàng đầu của khu vực ASEAN vào năm 2015. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, mục tiêu này đã không thành hiện thực.

Hiện PVEP đứng thứ tư trong nhóm các công ty dầu khí trong khu vực xét về quỹ trữ lượng và sản lượng khai thác (sau Công ty Dầu khí Petronas của Malaysia, Công ty Dầu khí Pertamina của Indonesia và Công ty Dầu khí PTTEP của Thái Lan). Sản lượng khai thác trung bình của PVEP đạt 110.000 thùng dầu/ngày, còn Petronas là 1,47 triệu thùng dầu/ngày; Pertamina là 401.000 thùng/ngày và PTTEP là 424.000 thùng/ngày.

 

Ở góc độ quỹ trữ lượng, PVEP có mức 1,7 tỷ thùng dầu quy đổi so với số liệu tương ứng của Petronas là 13,7 tỷ thùng, Pertamina là 2,18 tỷ thùng và PTTEP là 1,74 tỷ thùng. Như vậy, mong muốn trở thành công ty dầu khí quốc tế thứ ba trong khu vực, vượt lên PTTEP được Ban lãnh đạo PVEP thừa nhận là “còn xa và nhiều khó khăn”.

Ông Khạnh cho hay, PVEP đã hết sức phấn đấu, nỗ lực để phát triển thành công ty dầu khí quốc tế với tiềm lực mạnh về kinh tế, kỹ thuật, tài chính và sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, mục tiêu vươn lên vị trí thứ ba trong khu vực là một thách thức rất khó vượt qua do những bất lợi của người đến sau, trong khi điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt và tiềm lực của các đối thủ vốn dĩ đã vượt PVEP.

Về tổng thể, PVEP chỉ là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, không thể so với các công ty dầu khí khu vực có đầy đủ điều kiện và được chủ động triển khai hoạt động trong tất cả các khâu của lĩnh vực thượng nguồn. Ngoài ra, hệ thống luật chi phối và cơ chế quản lý của các đối thủ cũng cơ bản thuận lợi hơn so với PVEP.

Tại Việt Nam, PVEP được xếp vào số ít doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Là đơn vị chủ lực tiên phong của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hội nhập quốc tế, PVEP hiện có 63 dự án dầu khí, trong đó có 43 dự án trong nước và 20 dự án tại 13 quốc gia trên thế giới. Tổng mức đầu tư được phê duyệt của các dự án đang triển khai là 14,158 tỷ USD và chi phí đã thực hiện đầu tư cộng dồn đạt 9,78 tỷ USD.

Ông Khạnh cho biết, giai đoạn 2010-2015, PVEP dự kiến đạt doanh thu 322.540 tỷ đồng và có tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm; nộp ngân sách đạt 103.330 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 83.630 tỷ đồng, tức bình quân đạt 16.700 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo PVEP cũng nhận diện rõ các khó khăn phải đối mặt trong giai đoạn 2015-2020 sắp tới. Đó là sự cạnh tranh quyết liệt trong hoạt động dầu khí quốc tế tiếp tục là bất lợi với những công ty dầu khí có quy mô nhỏ và vừa như PVEP. Môi trường đầu tư tại một số quốc gia, nơi PVEP có dự án tiếp tục kém hấp dẫn và bất ổn, sẽ ảnh hưởng xấu tới hiệu quả đầu tư các dự án.

Trong nước, thách thức với PVEP cũng không ít. “Tiềm năng dầu khí vùng nước nông ngày càng hạn chế, trong khi đó các mỏ đang khai thác chủ yếu là mỏ nhỏ, cận biên, nhiều rủi ro trong quá trình vận hành khai thác. Các khu vực nước sâu xa bờ thềm lục địa Việt Nam được đánh giá có triển vọng tốt, nhưng đòi hỏi chi phí cao và còn thiếu nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm”, ông Khạnh nói và cho biết, PVEP cũng có các vấn đề nội tại như thiếu nhân lực chất lượng cao, khả năng thu xếp vốn cho công tác mua mỏ/tài sản còn hạn chế.

Trên thực tế, trạng thái khai thác một số khu vực như cụm mỏ Sư Tử, mỏ Tê Giác Trắng có diễn biến khó lường, trong khi sản lượng các mỏ mới vào khai thác lại chưa được như dự kiến, một số mỏ chậm đưa vào khai thác. Còn tại nước ngoài, một số mỏ có tiến độ khai thác chậm 6-8 tháng so với kế hoạch như mỏ Bir Seba (Algeria), Cendor (Malaysia) hay dừng khai thác tại lô SK 305 (Malaysia), giãn tiến độ Dự án Junin 2 (Venezuela).

Tin liên quan
Tin khác