Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa diễn ra của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - mã chứng khoán DPM), việc chia cổ tức tới mức 40% được đặt ra cho năm 2023 được cho là cao so với mặt bằng chung.
Theo đánh giá của PVFCCo, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế thế giới còn phục hồi chậm, chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine. Lĩnh vực phân bón bị ảnh hưởng chung của đại dịch năm trước nối tiếp sự ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng chưa thoát khỏi tình trạng đứt gãy, đình trệ do tình hình chính trị thế giới. Cạnh đó, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ phân bón hay các khó khăn khác của năm 2021 tiếp tục kéo dài như chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ tiếp tục chiếm phần đáng kể trong chi phí sản xuất.
Tuy nhiên thị trường phân bón thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch và chiến sự tại Ukraine đã hạn chế nguồn cung phân bón nhập khẩu, đẩy mức giá bán sản phẩm lên cao, giúp cho biên lợi nhuận của các nhà sản xuất phân bón trong nước tăng lên
Năm 2022 cũng được đánh giá là năm thành công nhất từ trước đến nay đối với PVFCCo khi đã tận dụng tốt các thuận lợi khách quan, vừa sản xuất an toàn, vượt công suất thiết kế, vừa kinh doanh hiệu quả.
Kết quả, năm 2022 PVFCCo đã đạt sản lượng kỷ lục 917.000 tấn Urê và xuất khẩu 190.000 tấn; tổng doanh thu đạt 19.013 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.585 tỷ đồng, chia cổ tức bằng tiền mặt cũng ở mức kỷ lục 70%.
Nhờ các kết quả ấn tượng này mà PVFCCo đã được các tổ chức uy tín như VnReport xếp thứ 2 trong Top 10 Doanh nghiệp hiệu quả nhất; Tạp chí Forbes Việt Nam xếp trong Top 50 Doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.
Năm 2023 tình hình có nhiều thách thức cho ngành phân bón nói chung và PVFCCo nói riêng khi giá phân bón giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong mấy năm qua, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng và Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng máy 1 tháng để bảo dưỡng theo định kỳ.
Trong tình hình đó, PVFCCo đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng, chia cổ tức 40% là mức khá cao so với mặt bằng chung. Tuy vậy đây vẫn là các chỉ tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành.
Một số vấn đề được đặt ra trọng tâm là tìm kiếm nguồn khí ổn định (sản lượng, giá bán) dài hạn cho sản xuất đạm, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động từ PVFCCo tới các đơn vị thành viên. Trong đó, tập trung công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên để đảm bảo việc quản lý; huy động và sử dụng vốn đúng mục đích, chặt chẽ, an toàn và hiệu quả.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã tiến hành miễn nhiệm, bầu mới, bầu lại một số thành viên HĐQT, Ban kiểm soát. Theo đó, ĐHĐCĐ đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm TV HĐQT đối với ông Louis Nguyễn theo đơn từ nhiệm; hết nhiệm kỳ Thành viên HĐQT đối với ông Lê Cự Tân; hết nhiệm kỳ thành viên Ban kiểm soát với ông Lê Vinh Văn và ông Lương Phương.
Đồng thời, thông qua bầu cử công khai tại phiên họp đã bầu các Thành viên HĐQT mới gồm ông Nguyễn Ngọc Anh, ông Hồ Quyết Thắng và Thành viên Ban kiểm soát gồm bà Trần Thị Phượng, ông Lương Phương (tái cử).
Thay mặt Petrovietnam - Cổ đông lớn, ông Lê Xuân Huyên, Phó tổng giám đốc Petrovietnam đã ghi nhận, biểu dương những thành công vượt bậc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVFCCo, đóng góp quan trọng vào kỳ tích chung của Tập đoàn Dầu khí trong năm 2022 - năm đạt kỷ lục trong hơn 60 năm hình thành và phát triển. Là cổ đông lớn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng tiếp tục cam kết sẽ hỗ trợ PVFCCo tối đa về mọi mặt, bên cạnh việc yêu cầu PVFCCo tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc, giảm chi phí, tăng lợi nhuận; đẩy nhanh triển khai các dự án hoá chất để tận dụng thời cơ từ xu thế chuyển dịch năng lượng; tiếp tục chăm sóc tốt đời sống người lao động....