“Bác sĩ nông học” là chuỗi chương trình mang đầy tính thiết thực, thời sự, tương tác giữa bốn nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông – doanh nghiệp), gồm các hoạt động chính là khảo sát thực địa đồng ruộng; lấy mẫu để phân tích và Hội thảo khoa học có sự tham gia tích cực của người dân địa phương để cùng tìm giải pháp thực tiễn cho các vấn đề trong canh tác nông nghiệp. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Cục Trồng trọt, Viện lúa ĐBSCL,Viện Cây ăn quả miền Nam, các Sở NN&PTNT, Trung tâm khuyến nông, Hội nông dân các địa phương và PVFCCo cùng phối hợp thực hiện.
Hình thành từ sáng kiến của PVFCCo và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) và gắn liền với chủ đề thời sự hiện nay, chương trình năm 2016 được tập trung vào việc tìm ra các biện pháp thích hợp nhằm ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là đối với hai loại cây trồng chủ lực tại khu vực này là lúa và cây ăn trái.
Được biết, từ giữa tháng 04/2016, các chuyên gia khoa học và cán bộ của PVFCCo đã trực tiếp khảo sát thực tế tại đồng ruộng, lấy mẫu vật (đất, nước, cây trồng….) để phân tích, đưa ra báo cáo và thảo luận về nguyên nhân, thực trạng mức độ thiệt hại, giải pháp khắc phục, đưa ra khuyến cáo cho bà con nông dân về các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp như sử dụng giống chịu mặn, sử dụng đúng và cân đối các loại phân bón, áp dụng lịch thời vụ hợp lý… cho từng đối tượng cây trồng ở mỗi tiểu vùng canh tác khác nhau.
Bên cạnh đó, để tăng cường hỗ trợ cho công tác dự báo, phòng tránh và đánh giá chính xác mức độ nhiễm mặn tại các tỉnh ĐBSCL, PVFCCo còn phối hợp với cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tặng máy đo độ mặn cho 13 tỉnh ĐBSCL để sử dụng. Đây là loại thiết bị chuyên dụng, hiện đại, có độ chính xác cao và thuận tiện trong việc sử dụng. Ông Huỳnh Quốc Việt – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An, vui mừng cho biết: “Thiết bị này sẽ giúp các địa phương nhanh chóng phát hiện và nhận định mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh hoặc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do đất nhiễm mặn gây ra, đồng thời duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân địa phương”.