Doanh nghiệp
PVGAS chi gần 2.500 tỷ đồng đầu tư kho chứa LNG, chuẩn bị nhập khẩu từ năm 2022
Thanh Thủy - 14/11/2021 08:33
Tập trung nguồn lực cho dự án Kho chứa LNG 1triệu tấn/năm tại Thị Vải, PV GAS cho biết đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào Quý III/2022.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS) cho biết đang nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng để nhập khẩu LNG từ năm 2022 với mục tiêu phân phối an toàn, hiệu quả toàn bộ nguồn khí/LNG trong nước và nhập khẩu. Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, cùng với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, PV GAS cũng xây dựng chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí/LNG, đa dạng hóa đối tượng khách hàng. Tổng công ty chủ động nghiên cứu làm việc với các hộ tiêu thụ khí/LNG tiềm năng trong tương lai, trong đó các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỷ trọng khoảng trên 70%; tăng cường phát triển các khách hàng hóa dầu, hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị khoảng gần 30%.

Hiện, PV GAS/Petrovietnam đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải. Tính đến hiện tại, tiến độ dự án Kho LNG Thị Vải hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý III/2022. Báo cáo từ PV Gas cho biết các dự án đồng hành như trạm xuất LNG bằng xe bồn tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải – Phú Mỹ… đang được triển khai.

PV GAS có năng lực tài chính mạnh. Quy mô tài sản đến ngày 30/9 là 73.218 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu vẫn là nguồn tài chính chủ yếu, chiếm 31,45% tổng nguồn vốn. Tập trung đầu tư dự án kho chứa LNG quy mô 1 triệu tấn/năm, đến cuối quý III/2021, giá trị đầu tư xây dựng cơ bản dở dang riêng tại dự án này đã tăng lên 2.498 tỷ đồng sau khoảng 2 năm kể từ thời điểm bắt đầu triển khau (năm 2019). 

Dù chỉ chiếm tương đương khoảng 3,4% tổng tài sản của tổng công ty, đây là một trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bán có quy mô lớn của PV GAS trong các năm gần đây. Cũng liên quan đến hạ tầng LNG, tổng công ty còn đang giải ngân vào các dự án kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ (138 tỷ đồng) và đường ống dẫn LNG Thị Vải - Phú Mỹ (139 tỷ đồng).

Giá trị đầu tư xây dựng cơ bản của PV GAS tại thời điêm 30/9/2021 - Nguồn: BCTC


Trong định hướng phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp khí, PV GAS hướng đến đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực chính, cốt lõi, đảm bảo hiệu quả; ưu tiên đầu tư hạ tầng nhập khẩu và tiêu thụ LNG; tối ưu hóa hệ thống hạ tầng có sẵn; xác định danh mục hạ tầng năng lượng có thể dùng chung và cơ chế dùng chung.

Tương lai tới, PV GAS sẽ tập trung nguồn lực phát triển đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu, tàng trữ, phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: khu vực miền Nam (Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm); khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ); khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).

Về hệ thống đường ống phân phối, PV Gas phát triển các đường ống vận chuyển LNG sau khi tái hóa khí đến các hộ tiêu thụ trên cơ sở tận dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu.

Trong đó, tại khu vực Đông Nam bộ, mục tiêu là ây dựng hệ thống đường ống LNG đấu nối từ đầu ra Kho chứa LNG Thị Vải vào các hệ thống đường ống hiện hữu của PV GAS; nghiên cứu xây dựng dự án đường ống kết nối Đông - Tây để nâng công suất vận chuyển và mở rộng hạ tầng phân phối khí LNG đến các hộ tiêu thụ khí LNG cho cả khu vực Đông và Tây Nam bộ.

Đối với Kho chứa LNG Sơn Mỹ, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối tại miền Trung; đầu tư đường ống kết nối để vận chuyển LNG từ Sơn Mỹ/Ninh Thuận về Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối vào hạ tầng hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ. Ở khu vực phía Bắc, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối khí từ đầu ra kho LNG tại khu vực Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa có tính đến việc kết nối và tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có của hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình để vận chuyển và cung cấp khí cho khách hàng.

Nhằm sử dụng tối ưu hệ thống hạ tầng khí, PV GAS thực hiện quy hoạch các cảng xuất nhập LNG thành các cảng hỗn hợp có bổ sung thêm chức năng xuất nhập sản phẩm lỏng và dịch vụ logistic.

Về nguồn nhập khẩu LNG, PV GAS tập trung công tác chuẩn bị nguồn nhập khẩu ngắn và trung hạn; hiện đã ký 6 Hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến (MSPA) với các nhà cung cấp LNG.

Để chuẩn bị tiêu thụ LNG, PV GAS đang tập trung xây dựng cơ chế giá, cước phí cho sản phẩm LNG tái hóa, theo từng nguồn nhập khẩu và đối tượng khách hàng; đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán với các khách hàng, các đơn vị kinh doanh và tiếp tục tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu mua LNG để tăng sản lượng tiêu thụ.

Chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình thị trường tiêu thụ khí, sản phẩm khí bị ảnh hưởng thời gian qua. Tuy vậy, xu hướng tăng của giá khí vẫn hỗ trợ hoạt động kinh doanh của PV GAS tăng trưởng. Trong quý III/2021, PV GAS ghi nhận 18.543 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 2.464 tỷ đồng, tăng 19% so với quý III/2020.

Tổng doanh thu 9 tháng năm 2021 của PV GAS đạt 58.815 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 12% kế hoạch 9 tháng. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.822 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và vượt 29% kế hoạch 9 tháng. Nộp Ngân sách Nhà nước ước đạt 4.578 tỷ đồng, đạt 172% kế hoạch 9 tháng, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cổ phiếu tăng mạnh kể từ đầu năm đưa PV GAS trở thành công ty thứ 5 có quy mô vốn hóa vượt mốc 10 tỷ USD. Cổ phiếu GAS đã xác lập kỷ lục mới về giá ở mức 125.000 đồng trong tháng 10/2021. GAS đóng cửa cuối ngày 12/11 ở mức 118.100 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa thị trường của PV GAS đạt 226.037 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác