Trụ sở Pymepharco tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Ngọc Tân |
Chi trả cổ tức 225 tỷ đồng
Pymepharco (doanh nghiệp được thành lập vào năm 1989 với nhiệm vụ sản xuất dược phẩm, kinh doanh thuốc và vật tư thiết bị y tế) vừa thông qua nghị quyết về chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt cho các cổ đông, với tỷ lệ cổ tức chi trả 30% vốn điều lệ (một cổ phiếu nhận 3.000 đồng), tổng số tiền 225 tỷ đồng. Việc thanh toán cổ tức sẽ bắt đầu từ ngày 2/6/2020.
Theo báo cáo tài chính tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Pymepharco vừa diễn ra, tổng doanh thu thuần của Pymepharco trong năm 2019 đạt 1.846,9 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 401,8 tỷ đồng, tăng 4%; lợi nhuận sau thuế đạt 320,9 tỷ đồng, tăng 3,7%.
Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của Pymepharco đạt 2.301,8 tỷ đồng và tăng 168,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 1.226,3 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt 1.075,5 tỷ đồng. Nợ phải trả duy trì ở mức ổn định 347,3 tỷ đồng, xấp xỉ nợ phải trả trong năm 2018.
Trong năm 2020, Pymepharco đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.032 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 401,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 320,9 tỷ đồng. Đại hội đồng cổ đông Công ty nhận định, chỉ tiêu này phần nào bị giảm do ảnh hưởng chung của khủng hoảng toàn cầu từ Covid-19, cũng như việc chậm trễ trong lịch xét tiêu chuẩn EU-GMP đối với Nhà máy STADA Việt Nam.
Đại hội đồng cổ đông Pymepharco cho rằng, doanh thu quý II/2020 của Công ty có thể giảm xuống 20% so với kế hoạch. Tuy vậy, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của Pymepharco vẫn khá tích cực với doanh thu thuần 479 tỷ đồng, tăng 17%. Các chi phí trong kỳ cũng tăng như chi phí bán hàng tăng 7%, chi phí quản lý tăng 17%. Kết quả, Công ty báo lãi hơn 75 tỷ đồng, tăng 8% so với quý I/2019.
“Chìa khóa” trong năm nay
Trong kế hoạch hoạt động kinh doanh của Pymepharco năm 2020 cũng như kế hoạch trung, dài hạn, một nội dung quan trọng là vận hành tối ưu năng lực sản xuất của Nhà máy Stada Việt Nam, với sản phẩm thuốc viên Non-betalactam. Đây được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất của Việt Nam và thế giới, với công suất 1,2 tỷ viên/năm/ca sản xuất, tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, khánh thành và đi vào hoạt động ngày 12/7/2019.
Nhà máy được kỳ vọng sẽ giúp Pymepharco đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, lịch xét tiêu chuẩn EU-GMP cho Nhà máy bị chậm so với dự kiến. Theo kế hoạch, nếu Nhà máy đạt được chứng nhận EU- GMP và hoạt động thương mại trong năm 2020, thì Pymepharco sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sở hữu cả 3 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP.
Ông Trương Tấn Lực, Phó tổng giám đốc Pymepharco cho biết, EU-GMP là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng chuẩn mực của ngành sản xuất dược phẩm mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Việc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn EU-GMP sẽ giúp các sản phẩm dược phẩm do Pymepharco sản xuất có chất lượng giống các thuốc châu Âu.
Đây là lợi thế giúp Pymepharco hoàn tất chuỗi giá trị sản phẩm, bao gồm 2 dòng thuốc Beta và Non-beta, trong đó có đầy đủ các dạng bào chế như viên nang, thuốc tiêm, thuốc đặc trị…; đồng thời góp phần nâng cao uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường dược phẩm nội địa, cũng như tăng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường quốc tế.
“Do ảnh hưởng của Covid-19, nên việc xét tiêu chuẩn EU-GMP cho Nhà máy Stada Việt Nam với sản phẩm thuốc viên Non-betalactam bị chậm so với kế hoạch lúc đầu. Tuy nhiên, lịch xét đã được chốt lại vào tháng 8 năm nay. Chắc chắn trong năm nay, việc cấp chứng nhận EU-GMP sẽ hoàn thành”, ông Lực khẳng định.
Theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Pymepharco, thành phần HĐQT của Công ty có sự thay đổi khi ông Mark Burgess Keatley chính thức từ nhiệm từ ngày 29/2/2020. Thay thế ông Mark Burgess Keatley đại diện cho phần vốn của Stada Service Holding B.V (sở hữu 62% vốn Pymepharco) sẽ là ông Oliver Twesiek. Ông Oliver Twesiek chính là Giám đốc thị trường mới nổi của Stada Arzneimittel AG Đức, công ty mẹ của Stada Service Holding B.V.