Ngân hàng - Bảo hiểm
Quản lý ngoại hối với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài
Thùy Linh - 30/11/2015 09:10
Một quốc gia không thể đồng thời thực hiện cùng lúc 3 mục tiêu chính sách vĩ mô gồm ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập.

Đây là lý thuyết về Bộ ba bất khả thi trong mô hình kinh tế học Mundell - Fleming ra đời từ thập kỷ 1960. Xét về Bộ ba bất khả thi, các lựa chọn chính sách tiền tệ của Việt Nam về tổng thể có nhiều điểm giống Trung Quốc, cùng thi hành chính sách kiểm soát dòng vốn nhằm theo đuổi mục tiêu lạm phát và ổn định tỷ giá. Trong báo cáo này, chúng tôi sẽ xem xét cơ chế quản lý tỷ giá và kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong tương quan so sánh với Việt Nam.

Tại Trung Quốc, các văn bản pháp luật quan trọng nhất bao gồm Quy định về quản lý ngoại hối trong đầu tư chứng khoán trong nước từ các nhà đầu tư tổ chức đủ điều kiện (QFII), tức Nghị định số 1/2009 của Cục Quản lý nhà nước về ngoại hối (SAFE) và Nghị định số 02/2012 của SAFE sửa đổi một số quy định của Nghị định số 1/2009. Tại Việt Nam, văn bản luật mới nhất là Thông tư 05/2014/TT-NHNN, có hiệu lực kể từ ngày 28/4/2014. Nhìn chung, quản lý ngoại hối tại Trung Quốc chặt chẽ hơn nhiều so với Việt Nam.

Việc kéo dài thời gian của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ giúp giữ được sự ổn định cho tỷ giá

trong ít nhất một năm trước khi có thể được điều chỉnh tăng lên. Số vốn này phải được chuyển tới Trung Quốc trong vòng sáu tháng kể từ ngày hạn ngạch được cấp. Nếu số vốn được chuyển không phải là toàn bộ số tiền quy định trong hạn ngạch, nhưng trên mức 20 triệu USD, số tiền thực nộp được coi là hạn ngạch đầu tư của nhà đầu tư. Nếu số vốn gốc ít hơn 20 triệu USD, số tiền này sẽ không được phép chuyển đổi sang Nhân dân tệ (CNY) để thực hiện các hoạt động đầu tư.

Số vốn gốc sẽ bị phong tỏa trong một thời gian, khi đó sẽ không thể chuyển ra nước ngoài. Đối với một số loại hình nhà đầu tư được Trung Quốc ưa thích như các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ tương hỗ, quỹ từ thiện, chính phủ, ngân hàng trung ương, và các quỹ mở tại Trung Quốc do QFII khởi xướng và thành lập, thời gian phong tỏa là 3 tháng. Với các loại hình QFII khác, thời hạn là 1 năm.

Thứ hai, QFII được quyền chuyển lợi nhuận đầu tư về nước. Tuy nhiên, việc chuyển vốn gốc về nước phải được SAFE chấp thuận. Mức vốn tối đa một QFII có thể chuyển về nước trong một tháng không vượt quá 20% tổng tài sản của quỹ tại Trung Quốc tại thời điểm cuối năm trước. Tuy nhiên, SAFE được quyền điều chỉnh thời gian, số tiền và thời gian cho các khoản tiền các QFII chuyển ra nước ngoài tùy thuộc tình hình cụ thể.

Ở Việt Nam, không có quy định về hạn ngạch, số vốn tối thiểu đầu tư, thời hạn chuyển tiền vốn, thời gian phong tỏa hoặc giới hạn chuyển tiền hồi hương. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài có sự linh hoạt hơn trong quy mô vốn đầu tư và việc chuyển vốn vào và ra khỏi Việt Nam.

Thứ ba, ngoại tệ được phép chuyển đổi thành CNY trong thời hạn mười ngày làm việc trước khi giao dịch đầu tư thực tế diễn ra. Ở Việt Nam, việc chuyển đổi có thể được thực hiện bất cứ khi nào theo ý muốn của các nhà đầu tư.

Thứ tư, tiền trong các tài khoản ngoại tệ và tài khoản đặc biệt bằng CNY của các QFII không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài các khoản đầu tư chứng khoán trong nước. Hiện nay, QFII có thể đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các chứng quyền được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc, các quỹ đầu tư chứng khoán, chỉ số chứng khoán tương lai (được bổ sung năm 2011) và các sản phẩm thu nhập cố định được giao dịch trên thị trường cho vay liên ngân hàng (được bổ sung năm 2012). QFII có thể tham gia vào đấu giá lần đầu cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Việc mua sản phẩm thu nhập cố định được giao dịch trên thị trường cho vay liên ngân hàng cần phải được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phê duyệt. Lãi suất cho các tài khoản ngoại tệ và tài khoản CYN đặc biệt do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định.

Về vấn đề này, Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, với các hoạt động đầu tư gián tiếp được định nghĩa bao gồm nhiều loại hình đầu tư tương tự như Trung Quốc. Thông tư 05 cũng quy định mỗi nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện các giao dịch của họ thông qua một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, mở tại một ngân hàng. Số dư trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tóm lại, việc quản lý ngoại hối dòng vốn đầu tư gián tiếp tại Trung Quốc chặt chẽ hơn nhiều so với Việt Nam. Điều này giúp Trung Quốc quản lý tốt hơn việc dòng chu chuyển vốn, kéo dài thời gian đầu tư của vốn gián tiếp nước ngoài, do đó cải thiện sự ổn định của tỷ giá và giá chứng khoán.

Tin liên quan
Tin khác